Theo một câu chuyện mà nhiều khi chỉ mang tính huyền thoại, một người phụ nữ thành Athens tên là
Agnodice, là một trong những học trò gắn bó với Herophilus. Cảm thấy buồn vì nỗi khổ của phụ nữ thà
chịu chết còn hơn bị thầy thuốc nam giới khám, Agnodice cải trang thành đàn ông để học nghề y.
Agnodice được các bệnh nhân tri ân, nhưng khi bị phát hiện, bà ta bị truy tố vì đã vi phạm luật lệ cấm
không cho phụ nữ học y khoa. Các bệnh nhân trung thành của bà được cho là đã cảnh báo các công tố
viên nam giới rằng họ sẽ trở thành kẻ thù tàn ác của giới phụ nữ nếu họ kết án tử hình người thầy thuốc
nữ giới duy nhất của họ. Câu chuyện của Agnodice đã được kể lại hàng trăm năm nhằm tập hợp sự ủng
hộ việc cho phép phụ nữ được học nghề y. Thật vậy, khi viết về các bệnh của phụ nữ, Hippocrates đã bàn
đến vấn đề được nêu ra trong câu chuyện của Agnodice. Phụ nữ thường không muốn bàn các vấn đề của
họ với các thầy thuốc nam giới khiến cho những chứng bệnh đơn giản chuyển thành bệnh không chữa
khỏi được.
Khi các học giả thời Phục hưng muốn phá vỡ cái uy quyền quá bóp nghẹt của các ông thầy thời cổ đại,
nhất là của Galen, thì hình ảnh Herophilus bị bỏ quên từ xa xưa và bị lăng mạ lại được ca tụng là
“Vesalius của thời cổ đại”. Tước hiệu này cũng được áp dụng cho Erasistratus, một khuôn mặt hấp dẫn
và khá bí hiểm, người đã bị Galen công kích vì cái tội không thể nào tha thứ được là đã bác bỏ triết lý y
học của Hippocrates. Galen đã viết hai quyển sách chống lại Erasistratus và hễ có cơ hội không tiếc lời
phê phán những tư tưởng của ông này. Galen cho rằng Erasistratus và Herophilus sống cùng thời, nhưng
có lẽ Erasistratus trẻ hơn Herophilus ít nhất 30 tuổi. Theo một câu chuyện trong tiểu sử, khi Erasistratus
biết là mình mắc bệnh ung thư không chữa được, ông ta tự tử còn hơn phải chịu đựng cảnh suy sụp sức
khỏe không cách nào kiềm chế được.
Giống như Hippocrates, Erasistratus sinh ra trong một gia đình làm nghề y. Không biết gì nhiều về cuộc
đời của ông, ngoài việc ông quyết định từ bỏ không hành nghề y mà chú tâm vào nghiên cứu giải phẫu
học và sinh lý học. Trong một câu chuyện nhỏ do Galen kể lại, Erasistratus nói đến niềm vui nghiên cứu
và cách làm thế nào để cho nhà nghiên cứu dành hết thời gian tìm cách giải quyết mọi khía cạnh của một
vấn đề khoa học. Các tài liệu thời cổ đại cho rằng Erasistratus đã viết trên 50 đầu sách, trong đó có các
tài liệu chuyên nói về sốt, trích huyết, chứng bại liệt, thuốc, chất độc và dinh dưỡng. Có lẽ Erasistratus đã
thực hiện các nghiên cứu của mình tại cung điện Antiochus tại Seleucia hơn là tại Alexandria, nhưng
những mối quan tâm về nghiên cứu của Herophilus và Erasistratus lại giống nhau hết sức. Tuy nhiên, có
một số chỉ dẫn cho thấy Erasistratus chú ý nhiều đến các nguyên nhân xa và che khuất của bệnh hơn là
Herophilus. Galen tố cáo Erasistratus là đã bác bỏ nền triết lý về y học của Hippocrates để đi theo những
lời dạy của Aristotle. Giống như Herophilus, Erasistratus có lẽ cố tìm cách thay thế thuyết dịch thể bằng
một học thuyết mới. Trong trường hợp Erasistratus, hình như đây là môn bệnh lý học về các chất rắn,
một ngành có lẽ hướng ông thiên nhiều về việc nghiên cứu giải phẫu học hơn là cách tiếp cận với khoa
điều trị.
Erasistratus được coi là một thầy thuốc tài ba, người đã gạt bỏ ý tưởng là người thầy thuốc thực hành chỉ
cần có một sự hiểu biết chung về cơ thể và cách hoạt động của cơ thể này để có sức khỏe là đủ. Ông lập
luận, nhiều bệnh tật có thể dự phòng được hoặc điều trị được bằng các thứ thuốc đơn giản và cách sống
hợp vệ sinh. Tuy thế, ông lại tin rằng học giải phẫu học bệnh lý là chìa khóa để xác định các nguyên
nhân khu trú gây ra bệnh. Ông rất chú ý đến khả năng cho rằng bệnh và sự viêm nhiễm là do sự tích tụ
nhiều máu tại một khu vực làm cho máu phải đi từ tĩnh mạch vào động mạch. Là người nghi ngờ đến các
phương pháp trị liệu chuẩn và thuyết thể dịch theo Hippocrates, Erasistratus nêu ra một quan niệm cơ