học, khu trú của hiện tượng sinh lý và bệnh lý dựa trên học thuyết nguyên tử của Democritus. Giống như
người sáng lập ra thuyết nguyên tử, Erasistratus rõ ràng là muốn nghiền ngẫm về sự hiện diện của các
thực thể vô hình. Sau khi dò tìm các tĩnh mạch, động mạch và các thần kinh cho đến chỗ phân chia nhỏ
nhất mà mắt thường thấy được, Erasistratus mặc nhận là những thứ này còn tiếp tục phân nhánh xa hơn
nữa mà mắt thường không thấy được. Theo Erasistratus, phần cơ cấu vô hình của cơ thể là một hệ thống
có ba lớp bao gồm tĩnh mạch, động mạch và thần kinh. Để hoàn chỉnh bức tranh về cấu trúc tế vi của cơ
thể, Erasistratus cho rằng có sự hiện diện của lớp nhu mô (lớp mô nằm giữa hệ thống mạch máu).
Có lẽ vì học thuyết của ông cho rằng bệnh là do sự tích tụ quá nhiều máu tại một chỗ, cho nên
Erasistratus chú ý đặc biệt đến quả tim, tĩnh mạch và động mạch. Trong các chuyên luận bị thất lạc, rõ
ràng là ông đã mô tả chi tiết quả tim trong đó có các van bán nguyệt, van ba lá và van hai lá. Những sự
tương đồng cơ học, mổ xác và có lẽ các thí nghiệm mổ người sống đã gợi ý cho Erasistratus là quả tim
có thể coi như một cái bơm trong đó một số “màng” đóng vai trò như nắp van. Kết hợp lý luận, trực giác
và tưởng tượng, Erasistratus dò tìm các tĩnh mạch, động mạch và thần kinh đến những chỗ phân chia nhỏ
nhất mà mắt thường có thể thấy được và suy đoán đến những chỗ phân chia xa hơn ngoài khả năng thấy
được. Ông cũng mô tả chi tiết gan và túi mật, và mở màn một nghiên cứu về các tuyến sữa mà mãi đến
sau này mới được bổ sung nhờ công trình của Gasparo Aselli (1581-1626).
Erasistratus thừa nhận ý kiến truyền thống cho rằng chức năng của các động mạch là chuyên chở khí chứ
không phải máu. Tĩnh mạch được coi là xuất phát từ gan, còn động mạch được cho là đi từ tim, cả hai
thường được coi là các hệ thống độc lập với nhau gồm các ống bịt đầu trong đó máu và khí thấm dần đến
phần ngoại vi của cơ thể sao cho mỗi phần của cơ thể có thể lấy đúng phần dưỡng chất của chúng. Tuy
nhiên, ông ta nhìn nhận rằng các nhà giải phẫu học phải chú ý đến thực tế là máu, vốn được coi là do tĩnh
mạch mang đến, lại phụt ra từ động mạch bị rách. Để hợp lý hóa những điểm không phù hợp trong hệ
thống này, Erasistratus lập luận rằng mặc dù tĩnh mạch và động mạch tách biệt nhau về mặt chức năng
trên những người khỏe mạnh, lành lặn, nhưng cũng có những chỗ nối nhỏ li ti bị xẹp hoặc bị đóng lại
giữa hai loại mạch máu. Khi một động mạch bị tổn thương, khí thoát ra ngoài và máu tĩnh mạch bị tống
ra theo các chỗ nối giữa tĩnh mạch và động mạch, bởi vì -theo như lời dạy của Aristotle - tự nhiên kỵ
chân không. Nói cách khác, sự hiện diện của máu trong động mạch là do sự tổn thương hoặc một điều
kiện bệnh lý khác nào đó. Những quan sát ghi nhận tĩnh mạch bị phồng máu còn động mạch xẹp lép trên
xác chết dường như phù hợp với các ý tưởng này.
Erasistratus kết luận rằng bệnh là do sự ứ trệ, tức là sự dư thừa máu từ những thực phẩm chưa được tiêu
hóa vốn dễ trở nên thối rữa. Khi sự ứ thừa máu tại một chỗ nào đó được tích tụ trong tĩnh mạch, những
mạch máu bị căng phồng quá mức này sẽ vỡ ra và máu tràn từ tĩnh mạch sang động mạch. Khi điều này
xảy ra, thì dòng chảy của khí, hoặc sinh khí (vital spirit), vốn do động mạch phân phối, sẽ bị tắc nghẽn.
Căn cứ theo cái khung lý thuyết này, mục tiêu hợp lý của trị liệu là làm giảm sự quá dư thừa máu. Có
một cách để đạt được mục tiêu này là chặn đứng sự sản xuất máu ngay tại nguồn bằng cách không cung
cấp thực phẩm.
Ngoài thuốc gây ói, lợi tiểu, xoa bóp, tắm nóng, và bắt nhịn đói, Erasistratus còn khéo léo tạo ra một
dạng “đói khu trú” bằng cách dùng băng vải buộc chặt chung quanh các chi để giữ máu lại ở đầu chi cho
tới khi bộ phận bị bệnh của cơ thể sử dụng hết phần dịch thừa thải. Erasistratus được coi như là người sử
dụng dây thắt để làm ngưng máu chảy từ một mạch máu bị rách.