LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 94

cuộc bạo loạn xảy ra sau khi Julius Caesar và 3.000 lính lê dương đến thành phố này. Sau khi Caesar
chinh phục Ai Cập, Alexandria chỉ là một thành phố trong đế quốc La Mã. Sau đó, các nhà lãnh đạo
Thiên Chúa giáo đã xúi giục phá hủy đền của các Thần Thi ca và các cơ sở dị giáo khác. Theo lời kể,
năm 395, học giả cuối cùng của bảo tàng, là một triết gia và nhà toán học nữ tên Hypatia bị đám đông
theo đạo Thiên Chúa lôi ra khỏi đền thờ và đánh chết. Đến thế kỷ thứ 7 (642-646) quân đội Hồi giáo
chinh phục thành phố và thực hiện việc phá hủy cuối cùng thư viện cùng với những bản thảo quý giá.

Y HỌC TRONG THẾ GIỚI LA MÃ

Đế quốc La Mã là một sự kết hợp phức tạp và mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa Hy Lạp và La Mã, được
định hình qua nhiều thế kỷ chiến tranh. Lúc đầu vốn chỉ là một xứ cộng hòa của các nông dân tiểu chủ
thay vì tầng lớp thương gia và mạo hiểm như người Hy Lạp, người La Mã ưa những gì thực tế thay cho
trừu tượng và có khuynh hướng muốn thi vị hóa đời sống thôn dã ngay cả khi họ xây dựng những thành
phố với quy mô và mức độ phức tạp chưa từng có. Họ rất xuất sắc trong nghệ thuật chiến tranh và cai trị,
cũng như trong kiến trúc, xây dựng công trình, y tế công cộng và vệ sinh. Các tác giả La Mã huênh
hoang rằng tổ tiên của họ đã sống mà chẳng hề nhờ đến thầy thuốc, dù rằng họ có dùng thuốc, họ rất giỏi
về các món thuốc dân gian, các vị thần chữa bệnh và các nhà tiên tri. Có nhiều khả năng là, những thành
quả về xây dựng công trình vệ sinh đáng kể nhất của họ tại thành Rome thời Cộng hòa và Đế chế, đã
đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe công cộng.

Khi so sánh La Mã với Hy Lạp, các nhà phê bình thường xem người La Mã như một dân tộc không có
nghệ thuật, văn học, khoa học hoặc triết học.

Tuy nhiên, chắc chắn không thể nào cho họ là một dân tộc không có thần thánh. Giống như người Ai
Cập, người La Mã gom góp các vị thần cho tất cả các cơ quan và chức năng chính của cơ thể. Tuy nhiên,
họ vẫn còn có chỗ trong tim dành cho các vị thần mới, nhất là khi các vị thần cũ dường như không muốn
hoặc không thể làm nhiệm vụ của mình. Vào năm 293 trước CN, khi các vị thần truyền thống không có
khả năng dập tắt một vụ dịch đang phá hủy Rome, thì các vị trưởng lão đã đến nhờ Asclepius tại đền
Epidaurus. Trong khi các tín đồ của Asclepius đàm đạo với phái đoàn của Rome, một con rắn thiêng từ
trong đền bò lên tàu của người La Mã; việc này coi như là một điềm báo rằng vị thần chủ trị ngành y Hy
Lạp có ý muốn giúp đỡ cho thành Rome. Một ngôi đền được dựng lên tại nơi con rắn chọn để thờ phụng
Asclepius, và sau đó trận dịch chấm dứt, và việc thờ phụng Asclepius được hình thành tại Rome. Các
thầy thuốc Hy Lạp cũng mong muốn đến Rome để giúp đỡ nơi này như con rắn thiêng, nhưng họ không
được đón tiếp nồng nhiệt như vinh hạnh dành cho Asclepius.

Lúc đầu, người La Mã rất nghi ngờ các thầy thuốc chuyên nghiệp. Họ không chê trách gì về việc hành
nghề y, nhưng họ cho rằng không hợp đạo lý nếu chữa bệnh lấy tiền. Nguyên lão Cato (234-149 trước
CN) tố cáo các thầy thuốc Hy Lạp là những kẻ thù tệ hại nhất của thành Rome và cho rằng họ đã đầu độc
và giết chết khách hàng của họ. Thật vậy, một số trong các thầy thuốc hành nghề có nhiều tham vọng
nhất thực sự là các lang băm hám tiền, không có trình độ, và là những kẻ liều mạng dùng kiến thức của
mình để lung lạc bệnh nhân, sản xuất ra thuốc độc và can dự vào các âm mưu.

Cato đã làm một việc công cốc bởi vì kể từ thế kỷ thứ 4 trở đi Rome càng ngày càng chịu ảnh hưởng của
Hy Lạp. Sự du nhập việc thờ phụng Asclepius và đông đảo thầy thuốc Hy Lạp đổ xô đến đây đã làm rõ
xu hướng này.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.