LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 95

Theo truyền thống, người đứng đầu của một gia đình La Mã được coi là người coi sóc các vấn đề y tế
cho người trong gia đình, các nô lệ và súc vật. Tuy nhiên, việc thực hành y học thực sự lại được coi là
công việc hèn mọn chỉ dành cho nô lệ và phụ nữ. Phần lớn người La Mã kết hợp ma thuật và y học dân
gian để chống lại bệnh tật. Mỗi gia đình có một chỗ thờ đặc biệt và một chỗ trữ các thứ thuốc cây cỏ. Có
những nghi lễ thích hợp được tiến hành khi cho thuốc và thực hiện một phẫu thuật nào đó. Để cho tiết
kiệm, người ta cũng sử dụng cùng những thứ thuốc, bùa chú và lời cầu nguyện cho cả con người và động
vật. Lấy ví dụ, Cato, người nắm được nhiều bài thuốc truyền thống, nhưng ông lại ưa sử dụng bắp cải,
thậm chí còn đặt thứ này lên trên món xúp gà, bởi vì ngoài tính vô hại, nó còn chứa nhiều vitamin C. Dù
sao đi nữa, Cato cũng đã sống đến 84 tuổi trong một thời đại mà tuổi thọ trung bình chỉ có 25 năm.

Các tài liệu của những người La Mã khác, phần lớn theo định nghĩa đều không phải là thầy thuốc, đã rọi
sáng nhiều vấn đề về vệ sinh, vệ sinh môi trường và y tế công cộng, nhất là tầm quan trọng của việc cung
cấp nước và xử lý nước thải. Rome lấy nước từ nhiều hệ thống cung cấp, nhưng các cầu máng mang
hàng triệu lít nước cho thành Rome vào thế kỷ thứ hai trước CN thường được coi là một giải pháp tinh
túy dành cho một trong những vấn đề cốt lõi mà các nhà quy hoạch đô thị phải đối mặt. Nước có chất
lượng kém hơn được coi là có thể chấp nhận được để dùng trong các nhà tắm mà mỗi thành phố nào ở
Rome cũng đều có. Phí vào những nhà tắm công cộng này ở mức tối thiểu, nhưng người La Mã được coi
như là có công trong việc xây dựng các nhà xí có trả tiền. Trong khi các nhà tiêu công cộng thường được
gắn kết vào các nhà tắm, những nhà tiêu công cộng độc lập thường được bố trí tại những khu nhộn nhịp
nhất tại các đô thị.

Kiến trúc sư và kỹ sư người La Mã là Vitruvius cũng dành một sự quan tâm đáng ngưỡng mộ về sự tinh
khiết của nước và vị trí xây dựng nhà vệ sinh tại các khu dân cư trong tài liệu Bàn về kiến trúc (khoảng
năm 27 trước CN). Marcus Terentius Varro (117-27 trước CN) cũng nêu ra một ý kiến đáng chú ý là
những vùng đầm lầy có thể là nơi sinh sống của các sinh vật cực nhỏ, chúng có thể chui vào cơ thể qua
đường miệng, mũi và gây nhiều bệnh trầm trọng. Trong lúc đám dân La Mã giàu có có thể lợi dụng các
kỹ năng khéo léo về kiến trúc và xây dựng vốn làm cho nền văn minh La Mã nổi tiếng, và khi nghỉ ngơi
thì rút về ẩn dật tại các điền trang thanh bình, yên ả, phần lớn dân chúng còn lại chui rúc trong những
ngôi nhà thiếu vệ sinh, chật chội, không có bếp và hệ thống sưởi, không có nước dẫn theo đường ống,
nhà tắm hoặc nhà xí riêng.

Mặc dù có lời cảnh báo của Cato, khi xã hội La Mã trở nên lịch lãm và giàu có hơn, hoặc ít đoan chính
và chỉ mới đủ ăn, theo cách nói của các nhà phê bình, các công dân La Mã đã sớm tìm đến các thầy
thuốc Hy Lạp để được cung cấp một chế độ điều trị tinh tế hơn là bắp cải và thần chú. Sự nghiệp của
Asclepiades (khoảng 124-50 trước CN) là một ví dụ giáo dục về cách thức mà nền y học Hy Lạp đã được
cải biến như thế nào cho phù hợp với khách hàng La Mã. Ban đầu Asclepiades đến Rome làm thầy dạy
khoa tu từ, nhưng chẳng bao lâu sau ông nhận thấy rằng hành nghề y mới có nhiều triển vọng tốt hơn.
Asclepiades đưa ra những cách điều trị bảo đảm có tác dụng “nhanh chóng, an toàn và êm ái”. Nếu cách
tiếp cận lý thuyết của ông ta chỉ mang tính cơ học, thì trên thực hành Asclepiades tư vấn cho khách hàng
một chế độ hợp lý, như tùy theo người mà có chế độ ăn, nghỉ ngơi và thể dục riêng, cùng với những
phương thuốc đơn giản như rượu vang, nước lã, tắm lạnh thay vì trích huyết và xổ ruột. Mặc dù
Asclepiades đưa ra một hình thức hành nghề y học có thể mang lại thành công theo cách thức của người
La Mã, nhưng vẫn còn sự nghi kị và ngờ vực như ta thấy trong các tài liệu của Nguyên lão Pliny (23-79).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.