Khoảng cách giữa hai người càng rút ngắn lại, tốc độ ra tay càng tăng,
chỉ còn thấy một bóng xanh hoà một bóng trắng thoăn thoắt như quỷ mị,
trong bóng đêm, đã thành một vầng sương mù của kiếm quang, họ hợp vào
rồi tách ra, khó phân biệt nổi ai với ai.
Sở Không Sơn vốn tự phụ kiếm pháp cao cường, giao đấu đã lâu mà
không thắng, nhìn đến những người phe Tây Thành, trong đầu ông ta chợt
nảy sinh tư vị vừa phiền vừa rối: "Mới rồi, mình khoa trương như trời, bây
giờ, chỉ mỗi một Thiên bộ cũng không xong, còn đâu ý tưởng lấy một địch
tám, đàn áp cả tám bộ Tây Thành?"
Suy nghĩ vậy, thân pháp ông đột nhiên trở thành gấp gáp, ông vận dụng
tuyệt kỹ bản phái là "Danh Hoa Mỹ Nhân kiếm", đường kiếm mềm mạo
hoa mỹ, khi thì như ngàn hoa nở rộ, lúc giống hạnh hoa trong mưa, thân
pháp ông biến hoá vô cùng tận, có lúc ngông cuồng như Quý Phi quá chén,
đôi khi e ấp tựa Tây Tử nhíu mày, lúc lại hé nở tựa đoá sen vừa ngoi nước
vươn lên, khi thì mượt mà như giọt mưa vuốt rèm, khi thời cứng cỏi quyết
ý, lúc lại yểu điệu đa tình, kiếm đến kiếm đi, như người thần hươi bút vẽ
tranh.
Thủ pháp của Vạn Thằng dựa theo ngón "Tinh La Tán thủ"(ND: dùng
tay đan sao trời thành lưới) tinh diệu tuyệt vời của Tây Côn Lôn "Lương
Tiêu , xem chừng không thua sút "Danh Hoa Mỹ Nhân kiếm" bao nhiêu.
Có điều Vạn Thằng tuổi cao mới học võ, dẫu hết lòng tu tập cần mẫn, tu
vi ông chung quy không theo kịp tổ sư, còn may tơ mềm được phóng từ
ngón tay dẻo dai, bất cứ nơi đâu cũng xuyên thấu, khi được ông dung nhập
vào kiếm pháp, đã tạm bù lại phần nào sự thiếu kém tu vi.
Song phương tận dụng tuyệt kỹ, qua lại hơn trăm chiêu. Sở Không Sơn
nội lực hồn hậu, kiếm thế mở rộng, khiến Vạn Thằng do sa sút nội lực, xuất
thủ không còn linh hoạt như ban sơ.