như mọi khi, cư xử như trong một buổi tối bình thường, tán gẫu, hỏi han về
công việc trong ngày của cô mà không để lộ ra những chấn thương tâm lý
anh vừa trải qua..
Lúc chạy ào xuống cầu thang bến tàu điện ngầm, Brady chợt nhận ra anh
vừa đi vào cửa hướng về phía Bắc của tuyến tàu, chứ không phải hướng đi
Brooklyn, phía nhà anh. Đôi chân đã đưa anh về phía East Village.
Mình có thể nhìn qua tòa nhà nơi cô ta sống hoặc ít ra cũng là khu phố.
Anh đi qua cửa quay và tiến về phía sân ga.
Nếu như có dấu niêm phong trên cửa thì có nghĩa là cảnh sát đã đến đó.
Nếu gặp họ, mình sẽ không dừng lại, mình sẽ lên tầng trên, mình sẽ cư xử
thoải mái như một người thường ra vào khu nhà đó…
Sao cũng được trừ việc phải đối diện với vợ, giữa những bức tường trong
căn hộ của họ.
Hai mươi phút sau, anh bước trên phố Đông số 3, với đủ các loại cây tứ
xứ. Khu vực này cách xa các khu du lịch, gồm những tòa nhà sơn nâu và đỏ
cùng những cửa hàng nhỏ xíu bán đủ thứ trên đời, với đại đa số người bán
hàng biết rất nhiều thứ tiếng, nhưng lại hiếm có một người nói tốt tiếng
Anh, một khu phố chưa mấy bị ảnh hưởng bởi quá trình quý tộc hóa diễn ra
tại New York từ khoảng chục năm nay. Tại đây, tường phủ đầy các hình vẽ
graffiti và đám ô tô đỗ bên lề đường khiến người ta liên tưởng đến những
năm 1980.
Brady tìm ra lối vào của một tòa nhà bốn tầng được cho là nơi Rubis đã
sống và xem xét những cái tên được viết trên hộp thư ở sảnh vào.
Sondra A. Weaver! Anh đọc. Căn số 34.
Anh trèo lên tầng bốn và cảm thấy an tâm hơn khi không gặp ai ở hành
lang. Cửa căn hộ số 34 không có dấu hiệu nào đặc biệt.
Có thể họ vẫn chưa niêm phong căn hộ của cô ta. Nhỡ họ chưa đến đây
thì sao? Nhỡ họ đến đúng lúc mình đang ở đây thì sao?
Rất ít khả năng.