- Giống ký sinh trùng này chẳng phải đã tuyệt chủng vài trăm năm rồi
hay sao? – Lỗ Thịnh Hiếu vẫn bán tín bán nghi.
- Có lẽ vậy! – Quỷ Nhãn Tam đáp.
- Đối thủ đã khiến giống trùng này tái sinh?
- Có lẽ vậy! – Quỷ Nhãn Tam vẫn lặp lại ba chữ đó.
Kỳ thực trong số họ, người khiếp sợ tam canh hàn nhất chính là Quỷ
Nhãn Tam. Gia tộc họ Nghê có truyền thống trộm mộ sinh tài, tộc phả đã
được ghi chép từ niên hiệu Thiên Thánh đời Tống Nhân Tông. Các thế hệ
tổ tiên của dòng họ Nghê đã từng trải qua vô số chuyện hung hiểm và quái
đản, song duy chỉ có hai sự kiện khiến gia tộc suýt chút nữa phải tuyệt diệt.
Sự kiện thứ nhất là “tam canh hàn”. Vào năm Nguyên Trinh thứ hai đời
Nguyên Thành Tông, mười bốn tráng đinh nhà họ Nghê trong lúc di dời
một ngôi mộ quan đời Hán ở núi Ngưu Tâm phía đông thành phủ Long An
đã bị một đàn chó sói điên tấn công. Mười ba người chết, một người mang
thương tích chạy thoát thân. Người này trở về nhà được khoảng nửa tháng,
thì hàng đêm cứ đến lúc canh ba lại lên cơn điên loạn, tàn sát người thân
trong nhà, cắn cổ hút máu. Về sau bị nhốt vào lồng sắt, ngay trong đêm đó
lên cơn rét cứng, co quắp mà chết. Khi đó đang giữa mùa hạ, lúc chết thê
thảm vô cùng, toàn thân lở loét thối rữa, không còn mảnh da lành lặn. Sau
khi chết, có con trùng lạ cắn vỡ đỉnh đầu chui ra, giống trùng đó chính là
tam canh hàn. Sự kiện thứ hai là thảm họa “vách Bách anh”* xảy ra vào
bốn mươi năm về trước . Ba mươi chín người già trẻ lớn bé nhà họ Nghê bị
vây khốn bởi vách Bách anh chìm trong nước tại khe Trích Thúy giữa hai
huyện Vũ Khê và Vu Sơn thuộc Tứ Xuyên, may được nhà họ Lỗ trượng
nghĩa cứu thoát. Bởi vậy, trong suốt vài trăm năm qua, tất cả người nhà họ
Nghê không ai không biết sự lợi hại của tam canh hàn.
* Có nghĩa là vách tường trăm đứa trẻ, là một loại cơ quan kết hợp với
vu thuật. Sử dụng các hình thái chết thảm của trẻ sơ sinh, tiếng kêu khóc
lúc hấp hối, lại lợi dụng vu thuật để hồi sinh quỷ khí và thi khí, tạo nên một
bức tường ảo giác, thu nhiếp tâm thần, khiến người sa bẫy kinh hồn bạt