sáng và thắp đèn đường. Truyền tải điện đi xa đòi hỏi điện thế cao, do đó
mẫu bóng đèn của Edison được thiết kế để hoạt động ở mức điện thế cao.
Edison đã thành công trong việc sáng tạo ra một thiết kế thực tế cho bóng
đèn nhờ vào việc tập hợp những hiểu biết lại với nhau bao gồm hiểu biết về
điện cũng như cách phân phối khí đốt.
Tư duy thông minh không nhất thiết phải tạo ra những sáng chế làm thay
đổi thế giới. Ví dụ như câu chuyện của Keith Koh. Keith không được nhìn
nhận như một thiên tài như Dyson, Fairhurst hay Edison. Ông chỉ là một
người bình thường có một doanh nghiệp sản xuất văn phòng phẩm. Trong
nhà máy của mình, ông có những chiếc đèn đặc biệt cung cấp ánh sáng
trắng cho phép công nhân có thể kiểm tra màu sơn của thành phẩm một
cách chính xác. Không may thay, những chiếc đèn đó rất đắt tiền. Khi sợi
dây của một bóng đèn bị cháy, Keith muốn tìm ra cách sửa những chiếc đèn
thay vì bỏ tiền ra mua mới. Trong nhà máy có vài chiếc máy hồng ngoại, và
ông quyết định sử dụng chúng để sửa sợi dây bóng đèn. Để tránh tia hồng
ngoại làm vỡ những lớp kính mỏng quanh bóng đèn, Keith bắn những tia
hồng ngoại nhỏ từ nhiều phía khác nhau vào phần dây tóc bóng đèn bị hư.
Sự kết hợp của những tia hồng ngoại nhỏ cùng nhắm vào một điểm cho
phép dây tóc bóng đèn tan chảy sau đó tái tạo thành một khối. Từng tia
hồng ngoại sẽ không đủ mạnh để có thể làm tan chảy lớp thủy tinh bên
ngoài bóng đèn. Keith học được mánh đó từ một giáo sư thời đại học. Khi
lần đầu tiên học mánh này, ông không hề biết rằng mình sẽ cần đến nó sau
này trong công việc. Cách tái sử dụng những kiến thức đó vào trong nhà
máy của Keith chính là vận dụng Tư duy thông minh.
Vậy tại sao tới giờ bạn chưa biết về tư duy thông minh?
Chúng ta sống trong một thế giới mà bậc thầy quản trị Peter Drucker gọi là
nền kinh tế tri thức. Thế giới đánh giá cao giáo dục, sự cách tân, nghiên cứu
và chuyên môn. Muốn thành công trong thế giới này, bạn buộc phải tìm ra
cách để trở nên thông minh hơn.
Tuy vậy, có thể bạn chưa biết nhiều lắm về cách thức tâm trí mình vận
hành.