thứ tầm thường đó?!
Nhưng tôi nhận ra đó là tất cả cốt lõi của sự việc.
Trước khi ra về, thầy gợi ý.
"Con có muốn nói chuyện với ta về em trai của con hay không?"
Tôi sững người. Không biết làm thế nào mà thầy nắm bắt được điều đang
lấn cấn trong đầu đứa học trò này. Suốt mấy tuần nay tôi ráng gọi qua Tây
Ban Nha cho thằng em, nhưng qua một người bạn tôi được tin nó phải bay
đi bay về như con thoi tới bệnh viện ở Amsterdam.
"Mitch, ta biết là con đau lòng vì không được ở bên người con yêu quý.
Nhưng con cần phải bình tâm với ước nguyện của em con. Có thể em con
không muốn can thiệp vào cuộc sống của con. Có thể em con không chịu
nổi cái gánh nặng ấy. Ta cũng thường nhắn những người quen của ta rằng
hãy cứ an tâm sống và làm việc, đừng bận lòng đến ta làm gì - đừng xáo
trộn cuộc sống bởi vì đằng nào ta cũng sắp chết rồi”.
"Nhưng nó là em trai của con thầy ạ".
"Ta biết, chính vì thế mới khiến con đau lòng". Thầy xoa dịu.
Tôi hồi tưởng hình ảnh Peter lúc nó lên tám, một thiên thần tóc xoăn óng
vàng bồng bềnh. Tôi thấy mình vật lộn với nó trên khoảng sân bên nhà,
bông cỏ ghim đầy hai đầu gối chiếc quần jeans. Tôi thấy nó đứng trước
gương hát líu lo, tay cầm cây chổi giả làm micrô. Tôi nhớ lại khi hai chúng
tôi bò lên gác xép trốn để hù bố mẹ chơi, khoái chí nhìn họ chạy đôn chạy
đáo đi tìm con về ăn tối.
Rồi tôi nghĩ đến lúc em tôi trưởng thành, bỏ nhà đi lưu lạc. Gương mặt nó
gầy gò và xanh xao vì phải trải qua quá trình hóa trị liệu khá lâu.
"Thưa thầy tại sao em con không muốn gặp con?"
Thầy thở dài:
"Không bao giờ có sẵn một khuôn mẫu nào cho các mối quan hệ cả. Chúng
ta cần phải dàn xếp chúng trên tinh thần thương yêu nhau, với vị thế chia
đều cho các bên. Chúng ta muốn điều gì, cần cái gì, chúng ta có thể làm
được gì, cuộc đời của chúng ta sẽ ra sao".
"Trong kinh doanh người ta thương lượng để chiếm đoạt, để chiến thắng -