ở đây, vì chồng tôi dư đủ tiền để trả chi phí. Anh có thể tưởng tượng tôi sẽ
thê thảm cỡ nào nếu như tôi phải sống trong những bệnh viện nhớp nháp rẻ
tiền?"
Một phụ nữ khác, chuyên nhổ nước bọt vào người tới lui, nhưng lại gọi
thầy Morrie là bạn. Họ trò chuyện hàng ngày, các bác sĩ cho rằng cần có ai
đó canh chừng bà ta. Thế rồi một ngày kia, bà vùng bỏ trốn, thầy được yêu
cầu đi bắt bà ta lại. Người ta đuổi theo bà sát nút. Quay lại trông thấy thầy,
bà ta hét lên thất thanh:
"Ông cũng là một tên trong bọn họ".
"Một trong những người nào?"
"Bọn cai ngục. Chúng coi giữ tôi suốt".
Thầy Morrie nhận xét, các bệnh nhân tại đây hầu hết đều bị quên lãng, và
bị chối bỏ. Họ cảm thấy như không tồn tại. Họ thiếu vắng lòng thương cảm
- thứ mà các nhân viên không cho họ. Nhiều người thuộc các gia đình giàu
có, nhưng của cải không mang lại cho họ hạnh phúc hay sự mãn nguyện.
Đó là bài học thầy không bao giờ quên.
Tôi từng chọc ghẹo thầy rằng thầy bị sa lầy trong những năm 1960. Thầy từ
tốn bảo quãng thời gian đó chẳng tệ gì hơn thời điểm chúng ta đang sống
hiện nay.
Sau khi rời công tác trong lĩnh vực nghiên cứu sức khỏe tâm thần, thầy
chuyển tới Đại học Brandeis. Thập niên 1960 vừa hé mà sân trường đã biến
thành một xã hội thu nhỏ: ma tuý, tình dục, phân biệt chủng tộc, phản đối
chiến tranh Việt Nam. Abbie Hoffman, rồi Jerry Rubin, rồi Angela Davis
lần lượt vào trường. Sinh viên của thầy Morrie thuộc đủ mọi màu da.
Đó chỉ là một phần của bức tranh. Thay vì chỉ dạy học. Ở đây người ta còn
phải giải quyết các vấn đề xã hội. Chẳng hạn như phong trào chống chiến
tranh - một cuộc chiến cay đắng. Khi biết rằng sinh viên nào không đạt
được điểm trung bình sẽ bị bắt quân dịch, các giáo sư đã nhất quyết không
chấm điểm gì hết. Chính quyền dọa nếu thế thì tất cả đều bị đánh rớt. Thầy
Morrie có một giải pháp: cho tất cả sinh viên đều được điểm "A". Và thầy
giữ lời!
Ngay khi thập niên 1960 khuấy động giảng đường, nó cũng xách động các