Mitch Albom
Lớp học cuối cùng
Biên dịch: HƯƠNG PHONG
VỊ GIÁO SƯ
PHẦN HAI
Thay Morrie mà tôi biết, thầy Morrie mà nhiều người khác biết, có lẽ đã
không trở thành người như chúng tôi biết, nếu ông không từng nhiều năm
làm việc tại một bệnh viện tâm thần nằm ngay ngoài rìa Washington D.C.,
một nơi có tên là Chestnut Lodge (Quán trọ Hạt Dẻ) - cái tên thơ mộng
khiến nhiều người ngộ nhận. Đó là một trong những nơi dừng chân đầu tiên
của thầy sau quãng thời gian miệt mài lấy bằng cử nhân và bằng tiến sĩ ở
Đại học Chicago. Từ chối làm nghề thuốc, luật sư, thương mại, thầy quyết
định làm nghiên cứu để có thể cống hiến mà không khai thác ai.
Nghiễm nhiên, thầy có quyền quan sát và thu thập các hành vi của những
bệnh nhân tâm thần. Ngày nay, công việc quái gở ấy đã trở nên bình
thường, nhưng vào thập niên 1950, nó quả là một công việc mới mẻ, và
thầy là một trong những bậc tiền bối khai phá nó. Thầy nhìn tận mắt những
cảnh tượng: người thì la hét tối ngày, người lại khóc sướt mướt suốt đêm,
kẻ thì xé rách hết quần áo, kẻ lại nhất quyết không chịu ăn - phải cưỡng
chế, và tiêm thức ăn vào tĩnh mạch.
Có một nữ bệnh nhân tuổi trung niên cứ hay vụt chạy ra khỏi phòng, nằm
dài úp mặt xuống sàn nhà, mặc cho y bác sĩ lấn bấn xung quanh. Thầy
Morrie nhìn bà một cách kinh hãi. Thầy ghi chú (nhiệm vụ của thầy mà).
Mỗi ngày bà đều hành động như nhau: buổi sáng ra đi, nằm sóng soài cho
tới tối, không nói với ai, không đếm xỉa tới ai. Thầy buồn quá đỗi. Thầy
ngồi xuống bên bà, thậm chí nằm dài bên cạnh, cố bứt bà ra khỏi nỗi sầu
thảm. Cuối cùng, thầy thuyết phục được bà ngồi dậy, quay trở về phòng.
Thầy nghiệm ra điều bà khát khao nhất cũng chính là điều mọi người ham
muốn: ai đó biết rằng bà đang nằm trên sàn.
Năm năm ở Chestnut Lodge, dù không ai đòi hỏi, thầy Morrie vẫn kết bạn
với vài người bệnh. Một bà đã tếu táo với thầy: "Tôi may mắn làm sao khi