bộ cách mạng. Anh ta tặng Huỳnh Điền một chiếc xe Honda gắn máy, và
được tin cậy như người trong nhà. Lý Thành rất khôn ngoan. Anh ta đầu
tư vào tình bạn với Huỳnh Điền hơn là tiêu xài tình bạn ấy. Anh ta để
Huỳnh Điền mắc nợ mình hơn là lợi dụng hay nhờ cậy những việc không
đáng nhờ.
Huỳnh Điền đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn còn độc thân, và sống trong một
căn phòng ở ngay tại khu vực nhà máy. Đôi khi trong lúc nói chuyện tâm
tình với Lý Thành, Huỳnh Điền thú thật chưa học hết "lớp ba trường làng"
vì nhà rất nghèo và nhờ theo cách mạng mà có ngày hôm nay. Ông ta đã bỏ
một làng quê thuộc tỉnh Bình Định vào Sài-Gòn làm công kiếm sống và đã
được móc nối vào Đảng từ năm 16 tuổi, đã sống sót qua hai cuộc chiến
tranh với quân hàm thượng úy. Huỳnh Điền được cử tiếp thu nhà máy
nước suối Vĩnh Hảo có lẽ vì số kỹ sư ít ỏi ở miền Bắc không đủ để cung
cấp cho cái xí nghiệp nhỏ ở nơi khỉ ho cò gáy ấy, và có lẽ cũng vì Huỳnh
Điền có chút kinh nghiệm về sản xuất nhờ trước khi có súc chai ở nhà máy
bia tại Sài-Gòn và có làm việc tại xí nghiệp thuốc lá Thăng Long ở Hà Nội
một thời gian khi tập kết ra Bắc. Chính Huỳnh Điền cũng cười, thú thật với
Lý Thành "chẳng biết mô tê" gì cả về nước suối, nói gì đến điều khiển một
nhà máy sản xuất nước suối. Nhưng Đảng chỉ đâu thì đánh đấy.
Thật ra, Lý Thành cũng cảm thấy có một tình bạn nẩy nở với Huỳnh
Điền nhưng đồng thời anh ta vẫn thấy rõ bức tường ngăn cách giữa hai
người, mặc dù nó vô hình. Lý Thành linh cảm việc hợp tác làm ăn với cách
mạng sẽ không kéo dài và chiếc máy đóng chai nước suối nhập cảng từ Tây
Đức năm 1956 đang chạy ì-ạch không biết sẽ nằm liệt lúc nào. Vì vậy, sau
khi tổ chức ra đi "bán chính thức" thất bại, Lý Thành đã quyết định lợi
dụng lòng tin của Huỳnh Điền để âm mưu một cuộc "đi chui".
Anh ta đã móc nối được với một người có chiếc ghe đánh cá ở Phan Rang -
một chiếc ghe gỗ dài 15 thước có gắn máy Yanmar "ba đầu bạc" có thể
chạy tới Phi Luật Tân. Hàng ngày, chiếc ghe này vẫn được đi biển đánh cá
nhưng chỉ được cung cấp dầu đủ chạy trong một ngày và bị kiểm soát chặt
chẽ mỗi khi ra khơi mà chỉ có các ngư phủ được phép lên tàu. Muốn dùng
chiếc tàu này để vượt biên sẽ phải có một kế hoạch với những chi tiết tỉ mỉ