Đã có quá nhiều biến động xảy đến với gia đình bỏ bé của Nhàn từ ngày
được gọi là hòa bình. Nhàn tự hỏi việc trở về của Lâm, cái chết của Thái,
phải chăng là sự sắp xếp của một bàn tay vô hình nào đó cho một câu
chuyện "gương vỡ lại lành", mở đầu cho một cuộc đời khác trên một đất
nước khác tốt đẹp hơn; hay cũng chỉ là khởi đầu cho một thảm kịch khác?
Nhàn sợ hãi và thầm khấn nguyện cho việc ra đi được bình an.
Thật ra, Nhàn không lo sợ nhiều cho bản thân mình. Nếu phải chết trong
cuộc vượt biên gian truân này, cô cũng không có điều gì phải ân hận.
Nhưng hai đứa con là những báu vật mà cô đã quyết định đưa chúng vào
một cuộc mạo hiểm may ít rủi nhiều. Nếu có sự bất hạnh nào xảy ra cho
những đứa trẻ ngây thơ này, ai là người chịu trách nhiệm? Cha mẹ chúng,
hay những kẻ đã tạo ra tấn bi kịch cho cả dân tộc này? Nhàn nghĩ đến mấy
triệu người đã chết trong cuộc chiến dài gần ba thập niên, đến hàng trăm
ngàn người đã bỏ xác trên rừng sâu, trong lòng biển sau khi chiến tranh
chấm dứt. Đây không phải là những bi kịch cá nhân mà là bi kịch của một
dân tộc. Một bi kịch rất dài và chưa có màn chót. Cả một dân tộc đang là
những con chuột để thí nghiệm cho một học thuyết viển vông được du nhập
bởi những tên học trò ngu dốt nhưng quỷ quái và điên.
Trên đường từ Sài-Gòn ra Phan Thiết, Nhàn đã được nghe những câu
chuyện của từng người đồng hành trên xe. Những câu chuyện khác nhau,
nhưng họ đều giống nhau một điều: bỏ lại tất cả gia tài, của cải để đi tìm tự
do trong gian nguy. Tự do quý hơn tài sản, hơn sự an toàn.
Người duy nhất trên xe không nói gì là Phượng, nhưng Nhàn đã biết rõ tấn
bi kịch của cô gái này do Lâm kể lại trước ngày ra đi và muốn Nhàn coi
như người trong gia đình. Lâm không yêu cầu thì Nhàn cũng đã thực sự
coi Phượng như người ruột thịt khi gặp nhau lần đầu và nghe Phượng nói:
"Cuộc đời của cháu đã mất rồi, cô ạ. Cháu ra đi là vì người khác."
Đêm hôm ấy, mọi người ngủ trong căn nhà nằm bên ngoài nhà máy do Lý
Thành xây cất dưới danh nghĩa là cơ sở của "Tổ Sản-xuất Cát Lồi", một
phó sản của nước suối Vĩnh Hảo, được phép hoạt động do sự đỡ đầu của
Huỳnh Điền. Công an địa phương không kiểm soát những người tới lui căn
nhà này vì nó nằm trong khu vực xí nghiệp Nước suối Vĩnh Hảo, và Huỳnh