Đêm ấy ông ghi vào cuốn sổ công tác: "Công tác Đảng ở đây thế nào? Sự
lãnh đạo của Đảng ở đây thế nào? Nghị quyết Trung ương mà không quán
triệt đến từng cấp uỷ từng chi bộ, từng đảng viên thì làm ăn thế nào? Đấy là
đường lối, là phương hướng. Mất phương hướng thì như thằng mù rồi còn
gì. Vậy mà ở đây "chúng nó" xếp xó có chết không cơ chứ. Thế thì ở đây,
người ta lãnh đạo thế nào? Cấp uỷ làm gì? Người ta điều hành công việc ra
sao? Chi bộ có họp không? Hay cũng thôi nốt?"
Phiên họp Thường vụ Thành uỷ Hải An sau đó, vụ Trần Vân bị đưa ra.
Người báo cáo trước cuộc họp là Quyết. Anh báo cáo tóm tắt sự việc, đọc
bản kiểm điểm của Vân. Vân nhận khuyết điểm và xin nhận một hình thức
kỷ luật tương xứng. Phát biểu ý kiến của mình, Quyết phê phán quyết liệt
thái độ không coi trọng nguyên tắc Đảng của người đứng đầu ngành Giáo
dục Đào tạo Hải An, làm mất uy tín của lãnh đạo Đảng bộ.
Tiếng xấu dội về tận Trung ương. Anh và một số nữa đề nghị kỷ luật cảnh
cáo. Nghe phát biểu thì thấy ý kiến chia làm hai phe, phe cảnh cáo và phe
khiển trách ngang nhau. Một số không có ý kiến gì. Ông giám đốc Công an
Thành phố quay sang ông chánh Văn phòng Thành uỷ:
- Thằng cha quá dại, làm thế nào chả được… Nhưng không làm là chết mất
ngáp.
Đến lúc ấy bí thư mới phát biểu:
- Điều quan trọng nhất là khuyết điểm của đồng chí Vân không gây hậu quả
gì. Công tác chuyên môn của ngành vẫn làm tốt.
Cán cân lập tức lệch hẳn. Thấy thế, trưởng ban Tuyên giáo lập tức tán
thành chỉ khiển trách. Nhưng… để đồng chí Vân có điều kiện tập trung vào
công tác lãnh đạo chuyên môn, đề nghị để đồng chí Vân thôi kiêm chức
trưởng ban cán sự Đảng.
Dù chỉ bị khiển trách, nghĩa là không bị ghi vào lí lịch Đảng, nhưng dư
luận trong ngành bàn tán râm ran suất mấy tháng trời. Người ta thêu dệt.
Người ta đồn đại Người ta đoán già đoán non đủ thứ chuyện khi công bố kỷ
luật giám đốc Sở. Người ta coi việc Vân bị mất chức trưởng ban cán sự
Đảng như là tước quyền lực của anh đi. Mà cái quyền lực này, đến tay
người khác thì ra vấn đề đấy!