Cho đến việc tôi giảng kinh, tôi cũng không biết là giảng hay không hay,
cũng không biết quý vị nghe hay hay dở. Nhưng chúng ta đều không cần cái
hay hoặc cái không hay, nghe chính là nghe, tôi giảng chính là giảng, cũng
không có hay, cũng không có không hay. Mọi người ở đây đều có duyên
mới tụ tập một nơi, nghe được cuộc đời tu hành của Lục Tổ Đại sư. Quý vị
không nên chứa chấp cái hay hoặc cái không hay, mà nên — là đạo thì tiến,
không phải đạo thì lùi, hợp chánh pháp thì y pháp tu hành, không hợp chánh
pháp thì không làm. Quý vị nên ghi nhớ nằm lòng bài kệ cuối cùng của Lục
Tổ Đại sư, thường thường tụng niệm ghi nhớ, y theo bài kệ này tu hành thì
nhất định sẽ thành Phật. Quý vị không nên phân biệt tôi giảng hay hay
không, mà cần xem quý vị có hành hay không? Quý vị hành thì không hay
cũng thành hay, nếu quý vị không hành, thì hay đến mấy cũng là không
hay!
Tôi nay hỏi quý vị: "Lục Tổ Đại sư là vị không biết chữ, người không biết
chữ thì không có tri thức gì, nhưng tại sao Ngài lại thuyết được Kinh?"
–Học sinh: Con nghĩ, Kinh có nói: người không cần có rất nhiều nghiên cứu
học thức mới có thể khai ngộ. Chủ yếu của pháp môn đốn giáo là từ trong
tâm địa tự tánh dụng công phu, mà chúng con đều nên y theo đây tu hành.
–Học sinh: Lục Tổ Đàn Kinh nói: Một pháp đã không lập, cho nên ngay
một chữ cũng không nói ra.
–Học sinh: Nghĩa lý Đàn Kinh vô cùng rõ ràng, nhưng mỗi lần con muốn
thử nói ra, đều không có cách nào lấy ngôn ngữ để miêu tả, diễn đạt.
–Học sinh: Lúc Lục Tổ Đại sư nhập Niết Bàn nói: Tạm biệt! Vậy thì nay
Ngài ở đâu?
Đáp: Ngài nay đã đến ngay nơi ông nói đó.
*