năm. Trong các môn nhơn của Ngài có bốn mươi ba người đặng đạt
tông chỉ và nối truyền chánh pháp. Còn những người ngộ đạo siêu
phàm, chẳng biết bao nhiêu mà kể!
Còn cái tín y của Đạt Ma Tổ Sư truyền, cái áo Ma Nạp và cái bửu bát
(do vua Trung Tông hiến cho), cùng cái chơn tượng của Đại sư do
Phương Biện nắn và cả thảy các món đạo cụ, đều giao cho người coi
tháp chăm sóc và giữ gìn vĩnh viễn nơi đạo tràng tại Chùa Bảo Lâm.
Các bảo vật nầy cất giữ để lưu truyền với quyển Đàn Kinh, đặng tỏ bày
cái tông chỉ của Đại sư, cùng mở mang Tam Bảo, mà phổ lợi quần sanh.
Giảng:
Thứ sử Thiều Châu tấu trình lên Hoàng đế những điềm lành linh thiêng:
Lục Tổ Đại sư phóng quang ba ngày. Hoàng đế liền ra lệnh lập bia ghi thuật
lại quá trình tu hành đạo đức của Lục Tổ Đại sư lúc còn tại thế: "Lục Tổ
Đại sư thọ thế bảy mươi sáu tuổi, lúc hai mươi bốn tuổi được truyền pháp,
ba mươi chín tuổi mới thế phát, Ngài thuyết pháp lợi sanh ba mươi bảy
năm, đệ tử truyền pháp có bốn mươi ba người. Cho đến những người đắc
đạo siêu phàm nhập thánh không biết bao nhiêu mà tính. Tổ sư Đạt Ma
truyền thọ tín y ca sa, Trung Tông ban ca sa và bát thủy tinh, cùng với chân
tượng Lục Tổ Đại sư do Pháp sư Phương Biện đắp, cùng với vật dụng tu
hành cần dùng như tam y, bát, tọa cụ, tích trượng, đều do vị thị giả hộ trì
bảo tháp cất trong tháp, là bảo vật trấn tự vĩnh viễn của Bảo Lâm đạo tràng.
Lưu truyền Đàn Kinh của Lục Tổ, để hiển đạo lý pháp môn thiền tông, đây
đều là hưng long Tam bảo, khiến cho Tam bảo phát dương rộng lớn, khắp
lợi ích hết thảy chúng sanh."
Bộ Lục Tổ Đàn Kinh này đã giảng giải viên mãn, trong thời gian này quý vị
đã chịu khổ rất nhiều, nhưng tôi không biết quý vị có cảm thấy cực nhọc
không, nếu quý vị biết cực nhọc, thì giống như Lục Tổ Đại sư đã nói, đó là
phàm phu, nếu không biết cực khổ thì đó là khúc cây hòn đá. Vậy quý vị có
biết cực khổ hay không biết cực khổ?