Cái mệnh vận của tiếng Nam thật cũng lạ-lùng ! Ai là kẻ đã từng ngẫm-
nghĩ về quá-khứ của dân-tộc ta hẳn đều công nhận thứ tiếng nôm-na kia thực
là cái dây linh-thiêng buộc chặt lấy linh-hồn của tất cả người một nước trong
buổi thịnh cũng như thời suy.
Vì một sự bất-công vô-lý thứ tiếng ấy đã bị hạng người thượng lưu trí-
thức không màng-tưởng đến, trong khi tôn-trọng một thứ tiếng ngoại-quốc,
hơn nữa, một thứ tử-văn. Tuy vậy, đời nọ trải đời kia, tiếng Nam vẫn sống
còn, vẫn ngấm-ngầm phát-triển cho đến ngày nay để chúng ta hưởng-dụng
và trân-trọng khác nào như hình-ảnh linh-hoạt của biết bao thế-hệ trước ta
đã đào-tạo nên.
Hơn nữa thế-kỷ này, nước ta đã từ-giã cảnh cô-lập vô-ích để theo đà
tiến-hóa chung của thời-đại. Bị kích-thích bởi luồng gió mạnh-mẽ của
những tư tưởng mới, dân-tộc Việt-Nam – như nhiều phen trên lịch-sử – đã
bừng tỉnh dậy và nhận chân cái mệnh-vận, cái tương-lai của mình. Một cuộc
sinh-hoạt mới dần dần gây nên trong khắp mọi phương-diện, và dấu-hiệu rõ-
rệt nhất là một cuộc phục-hưng về ngôn-ngữ và văn-học.
Tiếng Việt-Nam tỏ ra có tư-cách tiến-hóa phi-thường và có thể trở nên
một thứ tiếng rất văn-hoa. Trong đời sống trí-thức của chúng ta, nó chiếm
một địa-vị càng ngày càng trọng-yếu.
Nhờ ý-chí và lòng tin-tưởng của những thế-hệ thanh-niên kế-tiếp, tiếng
Nam sẽ không bao giờ mai-một được !
Một nền văn-học trẻ-trung ra đời và phát-triển một cách mau chóng,
mỗi ngày mỗi thêm vẻ giàu-thịnh tốt-tươi. Cái văn-học ấy sẽ mở cửa đón
chào tất cả những luồng tư-tưởng mới của nhân-loại, nhưng bao giờ cũng
vẫn giữ lằn-vết của hai ảnh-hưởng lớn : cái khí-vị êm-đềm của nền học-thuật
cổ Trung-hoa và cái tư-tưởng sán-lạn trong văn-học Pháp. Hai nguồn tư-
tưởng ấy điều-hòa với bản-năng của dân-tộc ta để tạo thành một nền văn-học
Việt-Nam, hiện giờ đã đem lại cho ta nhiều hứa-hẹn ở một tương-lai rực-rỡ.