XI. KẾT-LUẬN
Trong khi xét qua các phương-diện của vấn-đề Việt-ngữ, chúng tôi đã
cố ý nhập-chung ngôn-ngữ với văn-học là hai phạm-vi phân-biệt hẳn nhau.
Khi đả-động đến vấn-đề ngôn-ngữ, chúng ta chỉ xem ngôn-ngữ như là công-
cụ của văn-học và khi đề-cập đến văn-học chúng tôi chỉ xem văn-học như là
sản-vật của ngôn-ngữ đã tiến-hóa đến một trình-độ thấp hay cao. Nói tóm
lại, chúng tôi chú-trọng về chỗ liên-lạc quan-hệ giữa hai hệ-thống ấy và lấy
năng-lực tiến-hóa của tiếng Việt-Nam làm tiêu-chuẩn cuối-cùng.
Thật ra ngôn-ngữ cũng như văn-học đều là con đẻ của sự sinh-hoạt xã-
hội và cùng chịu ảnh-hưởng của những nguyên-nhân khác thuộc về chánh-
trị, kinh-tế, hay xã-hội nó dẫn đưa bước đường tiến-hóa của một dân-tộc.
Song những vấn-đề to-tát phiền-phức ấy vượt hẳn ra ngoài phạm-vi nhỏ-hẹp
của cuốn lược-khảo này ; và không dung-hợp với tính-cách đặc-biệt mà
chúng tôi muốn giữ lại cho vấn-đề ngôn ngữ.
Vả lại văn-học vốn là biểu-thị của nhân-sinh, tự nó cũng có một sức
mạnh gây nên những phong-trào tư-tưởng mới, và thay-đổi phong-tục trong
một nước. Nếu chỉ mong-chờ ở những trường-hợp tiện-lợi mới có thể phát-
biểu những khuynh-hướng văn-học của chúng ta, thì là một cách lý-luận
ngược lại. Chưa kể rằng sự phát-triển của văn-học, suy cho cùng, cũng phải
lấy trình-độ tiến-hóa của ngôn-ngữ làm giới-hạn. Một nền văn học Việt-Nam
phải là tấm gương phản-chiếu rất trung-thành những tính-cách tinh-thần,
cùng nhân-sinh quan của người Việt-Nam và phận-sự liền-gần của nó là
phát-biểu những nguyện-vọng thiết-tha của hiện-tại.
Muốn thực-hành cái sứ-mệnh ấy một cách hoàn-toàn đầy-đủ, phải nhờ
ở công-trình sáng-tác của một thiên-tài lỗi-lạc. Nhưng để dọn đường mở lối
cho cái ngày vinh-quang ấy, phải cần đến cả một thế-hệ thi-nhân văn-sĩ làm
đội tiên-phong. Vậy tất cả những ai yêu tiếng nước nhà nên gắng công trau-
dồi cho thứ tiếng ấy ngày càng phong-phú, hoa-mỹ để mong có ngày xuất-
hiện một nền văn-học xứng đáng vẻ-vang.