họ - những ông chủ tư bản của châu Âu. Một người theo chủ nghĩa xã
hội không bao giờ có thể chấp nhận những thứ như chiến tranh, vậy
nên Lenin và những đồng chí cách mạng của ông ở khắp châu Âu đã
đồng ý kiên quyết phản đối chiến tranh.
Lenin đã có một cú sốc khủng khiếp vào ngày 5 tháng 8, một vài
ngày sau khi Đức tuyên chiến với Nga. Một nhà hoạt động địa phương
đang ở cùng ông trong ngôi nhà nhỏ đã mang cho ông một tờ báo Ba
Lan. Tờ báo đưa tin rằng các nhà xã hội chủ nghĩa trong quốc hội Đức
đã đồng ý gây chiến. Lúc đầu Lenin nghĩ rằng người đồng chí Ba Lan
của ông đã dịch sai câu chuyện, nhưng tin tức kia thì không thể nhầm
lẫn: lòng trung thành của các nhà xã hội chủ nghĩa với đất nước của họ
đã chiến thắng niềm tin chính trị của họ. Các nhà xã hội chủ nghĩa ở
Anh và Pháp cũng vậy. Lenin phẫn nộ.
Sự phản đối của Lenin đối với cuộc chiến ấy không chỉ là vì nỗi
kinh hoàng của việc tàn sát vô số người. Nó xuất phát từ một lý thuyết
về chủ nghĩa tư bản. Lenin là một nhà tư tưởng cũng như một nhà cách
mạng thực tế, người kế tục của Marx, người đã nói rằng chủ nghĩa tư
bản bao gồm những mâu thuẫn cuối cùng cũng sẽ dẫn đến sự sụp đổ
của nó. Lenin đã nâng tầm tư tưởng của Marx. Ông nói rằng bản thân
hệ thống tư bản đã gây ra xung đột giữa các quốc gia để cuối cùng dẫn
đến chiến tranh.
Lenin chỉ ra ba xu hướng lớn. Marx chủ yếu xem xét những hiện
tượng đang xảy ra trong phạm vi một quốc gia đơn nhất, nhưng vào
đầu thế kỷ 20, các quốc gia đã trở nên kết nối với nhau hơn bao giờ hết.
Khối lượng hàng hóa trao đổi giữa các nước lớn hơn rất nhiều, và các
nhà đầu tư đã đổ nhiều tiền hơn vào các doanh nghiệp ở nước ngoài.
Một xu hướng khác là sự xuất hiện của các công ty và ngân hàng lớn,
một sự thay đổi từ thời kỳ chủ nghĩa tư bản trước đó khi các doanh
nghiệp có quy mô nhỏ và thường được các ông chủ của chúng cấp vốn.
Bây giờ các ngân hàng lớn cung cấp vốn cho các tập đoàn lớn. Lenin gọi