Nhìn vào cách họ tương tác với nhau, ta sẽ hiểu tại sao nội bộ các tôn giáo lại
thường trực bất đồng ý kiến với nhau và đôi khi đến mức bạo liệt.
Thế nhưng hầu hết các tôn giáo đều bắt đầu từ những kẻ dị giáo. Một nhà
tiên tri đáp lại lời phán bảo ở bên trong, vốn thách thức quan điểm đương thời,
theo cách Abraham khinh rẻ các tượng thần trong cửa hiệu của cha mình. Điều
thường xảy ra tiếp theo là một sự chia rẽ, trong đó kẻ dị giáo bỏ đi và thành lập
một tôn giáo mới hay một nhánh cạnh tranh với cái cũ. Đôi khi kẻ dị giáo thắng
cuộc và tư tưởng của họ trở thành tư tưởng chính thống mới. Hoặc là bên có đầu
óc bảo thủ vẫn không xoay chuyển và niềm cảm hứng mới kia biến ra chỗ khác,
hoặc là bên bảo thủ chịu cởi mở đủ để hấp thụ thêm hiểu biết mới.
Người Do Thái quen thuộc với quá trình như vậy hơn các tín đồ của các tôn
giáo độc thần khác. Ngay từ đầu, các cuộc tranh cãi và bất đồng ý kiến đã đóng
vai trò trung tâm trong đời sống dân họ. Tất nhiên, mọi tôn giáo đều có sự tranh
luận, nhưng hầu hết đều đóng lại cuộc tranh biện ngay khi có thể và vạch ra lằn
ranh mà mọi người hoặc là chấp nhận hoặc đi khỏi đó. Họ thích sự tôn ti trật tự.
Tôn giáo của dân Do Thái không bao giờ như vậy, họ biết rằng chẳng có gì trong
tôn giáo mà không đem ra bàn cãi được cả. Họ tin là thà rằng cứ cãi nhau, còn
hơn là khóa chặt tâm trí vào trong cái hộp và quăng chìa khóa đi. Ngay trong sách
thánh của Do Thái giáo, ta cũng dễ dàng tìm thấy một kẻ dị giáo tên là Job dám
phản biện lại quan điểm chính thống đương thời.
Chuyện về Job đã lưu truyền từ lâu như một câu chuyện dân gian, nhưng
trong thời kỳ đày ải ở Babylon, một nhà thơ vô danh đã dùng lại nó để tìm hiểu
sâu hơn sự khổ đau. Dân Do Thái có lẽ có nhu cầu giải quyết vấn đề đó nhiều
hơn các dân tộc khác. Trong lịch sử, nhiều quốc gia và dân tộc từng bị các đế chế
hùng mạnh xóa sổ; nhưng ít nhất, khổ đau của họ cũng dừng lại tại đó. Còn khổ
đau của dân Do Thái dường như không bao giờ chấm dứt. Không còn là một đất
nước từ năm 70 TCN và cũng không còn mảnh đất cắm dùi, dân họ chuyển sang
giai đoạn lịch sử lang thang và bị chối từ ở mọi nơi họ đi qua. Chẳng bao giờ có
sự an toàn lâu dài ở bất cứ đâu, họ cứ phải sẵn sàng hành lý, sẵn sàng cho cuộc ra
đi kế tiếp, cuộc lưu đày kế tiếp.
Họ mất đất và đền thờ nhưng vẫn giữ cuốn kinh thánh và nó trở thành một
mái ấm tâm linh cho dân họ, thứ họ có thể nhét vào hành lý mỗi khi lần trục xuất