hơn sẽ nóng chảy thành những cục kim loại dẫn điện, để dòng điện đi tiếp,
bốc cháy và chập nổ thành những cung lửa điện có thể thiêu chết bất cứ ai ở
gần các thiết bị điện hay ổ cắm trên tường.
Người kỹ sư giám sát lần đầu tiên nghĩ tới: Khủng bố. Một vụ tấn công
khủng bố. Ông ta hét lên, “Gọi cho Bộ An ninh Nội địa và Sở Cảnh sát. Và
cài đặt lại đi, chết tiệt. Cài đặt lại các aptomat đi.”
“Chúng không nhận lệnh. Tôi bị khóa, không truy cập được vào MH-10.”
“Cái quái quỷ gì mà cậu có thể bị khóa chứ?”
“Tôi không…”
“Có ai bên trong trạm không? Lạy Chúa, nếu có, bảo họ ra đi!” Các trạm
điện không có người điều khiển, nhưng công nhân thi thoảng vẫn đến thực
hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ.
“Rõ.”
Các đồng hồ chỉ điện áp lúc bấy giờ đã chuyển sang màu đỏ.
“Sếp, chúng ta có nên sa thải phụ tải không?”
Nghiến chặt hai hàm răng, người kỹ sư giám sát đang cân nhắc việc này.
Sa thải phụ tải, còn được gọi là cắt điện tránh quá tải, là biện pháp cùng bất
đắc dĩ trong ngành điện. “Phụ tải” là lượng điện khách hàng đang sử dụng. Sa
thải phụ tải là thao tác có kiểm soát, thực hiện bằng tay, đóng những khu vực
nhất định của lưới điện, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ lớn hơn trên toàn bộ hệ
thống.
Đó là phương kế cuối cùng mà một công ty điện lực áp dụng trong trận
chiến duy trì lưới điện và sẽ gây ra hậu quả tai hại cho khu vực dân cư đông
đúc ấy của Manhattan. Riêng thiệt hại đối với máy tính thôi sẽ là hàng chục
triệu chiếc, và người ta có thể sẽ bị thương, thậm chí có thể mất mạng. Các
cuộc gọi 911 sẽ không thực hiện được. Xe cấp cứu, xe cảnh sát sẽ kẹt tiên
đường, vì đèn giao thông không bật. Thang máy ngừng hoạt động. Sẽ có hốt
hoảng, hoang mang. Cướp, giết, hiếp bao giờ cũng tăng lên trong thời gian
cắt điện, thậm chí giữa ban ngày ban mặt.
Điện giữ cho người ta lương thiện.
“Sếp?” Cậu kỹ thuật viên gọi một cách tuyệt vọng.