Lời nói đầu
Những năm 1920, khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của Thương học
phương châm, cuốn sách giáo khoa đầu tiên của thương giới Việt, cụ Lương
Văn Can đã chia sẻ: “Bây giờ phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một
nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì
có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ,
tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông buôn bán thì làm giàu rất
tiện...”. Cách chúng ta ngót thế kỷ, nhưng cụ cử Can đã nhìn thấy một
không khí hội nhập hừng hực của Việt Nam với thế giới.
Trong buổi đầu khai sinh, người Việt chập chững trên con đường kinh
thương, có biết bao nhiêu khó khăn: lớp doanh nhân mới hình thành chưa
từng trải qua một trường lớp kinh tế nào, vừa kinh doanh vừa phải chống đỡ
với tư bản nước ngoài. Thế nhưng, chúng ta đã từng có một thế hệ các
doanh nhân đầu tiên rất thành công trên thương trường, lại có tinh thần dân
tộc kiên cường - dùng buôn bán như một công cụ để thể hiện lòng yêu
nước. Đó là một Bạch Thái Bưởi “không đội trời chung” với tư bản Pháp,
một Nguyễn Sơn Hà từ người làm thuê đã tự đứng ra gây dựng một hãng
sơn riêng trở thành đối thủ đáng gờm của tư bản Pháp... Điều đó có được là
nhờ họ vừa kinh doanh vừa tự học hỏi để đổi mới mình, lại vừa có trong
lòng một niềm tự tôn dân tộc - kinh doanh để góp phần phụng sự tổ quốc.
Để góp phần vào việc hình thành nên một thế hệ nhà buôn đầu tiên của Việt
Nam, chúng ta không thể không nhắc tới một cuộc đổi mới sâu rộng trong
xã hội vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Rất nhiều nhà nho đã vứt bút lông
đổi sang bút sắt, cùng hiệp lực gióng lên hồi trống Duy tân, đem những văn
minh từ nước ngoài vào với mong muốn thay đổi tận gốc rễ xã hội. Nghề