sánh bằng bước tiến của nhiều thế kỷ trước. Đông Kinh Nghĩa Thục như
ngọn đuốc sáng soi vào sự tăm tối của nhân dân, gióng một tiếng chuông
mạnh mẽ làm thức tỉnh lương tri, ý thức tự cường, nỗi đau mất nước. Đông
Kinh Nghĩa Thục cũng giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của thực
nghiệp. Lần đầu tiên trong lịch sử nghề kinh doanh buôn bán được đề cao,
như một công cụ để vươn lên, tranh đua cùng các cường quốc trên thế giới.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các nhà nho vứt bỏ phẩm hàm để
chuyển sang làm kinh doanh, buôn bán.
Chỉ trong 9 tháng tồn tại, Đông Kinh Nghĩa Thục đã làm được phép màu:
hâm nóng được bầu nhiệt huyết yêu nước trong nhân dân. Sự vùng lên
trong phong trào chống thuế, vụ Hà Thành đầu độc hay cuộc tấn công bằng
bom vào sĩ quan Pháp ở khách sạn ở Hà Nội là hệ quả tất yếu khi người dân
ý thức được sự bóc lột dã man của Pháp và thân phận mất nước.
Nói đến tầm ảnh hưởng to lớn của Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng ta không
thể không nhắc tới ngọn đuốc tinh thần của phong trào này đó là thục
trưởng Lương Văn Can, người khởi xướng Phan Châu Trinh, giám học
Nguyễn Quyền và hàng chục nhân vật tiếng tăm khác. Họ là những người
đã khai sinh ra ngôi trường đặc biệt này, khôn khéo tổ chức các hoạt động
công khai ngay trước mũi nhà cầm quyền Pháp.
Ngôi trường làm việc nghĩa ấy đã có sự đóng góp công sức to lớn của cá
nhân Lương Văn Can, với vai trò của người gắn kết các chí sĩ dưới một mái
nhà chung để thành lập nên Đông Kinh Nghĩa Thục. Cũng chính cụ và toàn
bộ gia đình đã tận tụy hết lòng, góp công và góp của cho ngôi trường: hiến
nhà làm cơ sở cho trường, bán gia sản của ông cha để đóng góp, duy trì
hoạt động của trường; 3 người con làm giáo viên tình nguyện cho Đông
Kinh Nghĩa Thục. Bản thân Lương Văn Can vừa là giáo viên, vừa là thục
trưởng, vừa là người giữ tiền, vừa soạn sách, tham gia diễn thuyết... Toàn
bộ tâm sức của gia đình cụ Cử Can đã dồn hết cho mái trường, cho sự
nghiệp khai dân trí, trấn dân khí. Dưới ngọn cờ Đông Kinh Nghĩa Thục,