LÝ THUYẾT TỔNG QUÁT VỀ VIỆC LÀM, LÃI SUẤT VÀ TIỀN TỆ - Trang 35

và đầu tư lại phụ thuộc vào thu nhập của họ, nên một mối quan hệ được thiết lập giữa tổng số tiền tiết kiệm và
tổng số tiền đầu tư. Việc này có thể trình bày khá dễ dàng như là một sự ngang bằng chính xác và cần thiết, không
phải tranh luận về khả năng xem nó có hợp lý hay không. Nói cho đúng ra thì điều này chỉ là một kết luận vô vị.
Nhưng nó lại khuấy động mạch tư duy mà từ đó nảy sinh nhiều vấn đề quan trọng. Nói chung người ta thấy mức
sản lượng và số việc làm hiện có là tuỳ thuộc, không phải vào khả năng sản xuất hoặc vào mức thu nhập tồn tại từ
trước, mà phụ thuộc vào những quyết định sản xuất hàng ngày mà các quyết định này lại phụ thuộc vào các quyết
định hàng ngày về đầu tư và vào dự kiến về mức tiêu thụ hiện tại và tương lai. Ngoài ra, chừng nào chúng ta biết
được thiên hướng tiêu dùng và tiết kiệm (như tôi gọi là như vậy), tức là biết kết quả về các sở thích tâm lý cá nhân
trong cộng đồng nói chung muốn sử dụng thu nhập theo ý riêng của họ, thì chúng ta có thể tính toán được mức thu
nhập và do đó mức sản lượng và số việc làm ở trạng thái cân bằng về lợi nhuận với một mức đầu tư mới nhất định.
Từ đó phát triển học thuyết về số nhân (Multiplier). Hoặc thiên hướng tiết kiệm tăng sẽ thu hẹp thu nhập và sản
lượng, khi các yếu tố khác giữ nguyên. Nhưng tăng động cơ đầu tư thì thu nhập và sản lượng cũng tăng. Như vậy
chúng ta có thể phân tích các yếu tố quyết định thu nhập và sản lượng của toàn bộ hệ thống. Chúng ta có một lý
thuyết về việc làm (theo nghĩa chính xác nhất). Những kết luận rút ra từ cách lý giải này đặc biệt thích hợp với các
vấn đề tài chính và chính sách nhà nước nói chung và với chu kỳ kinh doanh (chu kỳ kinh tế).

Một điểm khác có tính đặc thù riêng của cuốn sách này là thuyết về lãi suất. Trong thời gian gần đây, nhiều

nhà kinh tế học cho rằng tỷ suất tiết kiệm hiện hành quyết định việc cung cấp vốn tự do và tỷ lệ đầu tư hiện hành
chi phối nhu vầu về vốn, và có thể nói lãi suất là yếu tố cân bằng giá do điểm giao nhau của đường cung ứng tiền
tiết kiệm và đường cầu về đầu tư, quyết định. Nhưng nếu tổng số tiết kiệm là nhất định và trong mọi trường hợp
đúng bằng tổng số đầu tư, thì rõ ràng là lời giải thích này thất bại. Chúng ta phải tìm kiếm giải pháp ở chỗ khác.
Tôi tìm thấy giải pháp đó trong ý kiến cho rằng lãi suất có chức năng duy trì sự cân bằng, không phải giữa cung và
cầu về tư liệu sản xuất mới mà giữa cung và cầu về tiền tệ, có nghĩa là giữa cầu về thanh khoản và các phương
pháp thoả mãn nhu cầu này. Ở đây tôi đang quay trở lại học thuyết của các nhà kinh tế học tiền thế kỷ 19. Ví dụ
Montesquieu nhìn thấy khá rõ ràng chân lý này. Montesquieu được coi như một nhân vật người Pháp tương đương
với Adam Smith - nhà kinh tế học vĩ đại nhất trong các nhà kinh tế học. Montesquieu hơn hẳn những người theo
phái trọng nông (một trường phái kinh tế ở Pháp cuối thế kỷ 18) về mặt uyên thâm, đầu óc sáng suốt và lương tri
nhạy cảm (đó là những đức tính cần thiết đối với một nhà kinh tế học). Nhưng tôi phải để cho cuốn sách này trình
bày một cách chi tiết là việc này sẽ diễn biến như thế nào.

Cuốn sách này có nhan đề: Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ. Và đặc điểm thứ ba trong cuốn

sách mà tôi muốn lưu ý các bạn là cách xử lý tiền tệ và giá cả. Sự phân tích dưới đây cho thấy là tôi đã hoàn toàn
giải thoát khỏi những điểm lộn xộn về lý thuyết định lượng mà một thời đã gây cho tôi nhiều phiền toái. Tôi coi
mức giá như một tổng thể được xác định cũng chính xác như các giá riêng biệt, tức là bị chi phối bởi quy luật cung
cầu. Các điều kiện kỹ thuật, mức tiền lương, mức độ sử dụng máy móc thiết bị và lao động, tình hình thị trường và
sự cạnh tranh quyết định các điều kiện cung ứng sản phẩm của từng người sản xuất và toàn bộ sản phẩm trong xã
hội. Quyết định của các nghiệp chủ mà từ đó các nhà sản xuất cá lẻ nhận được phần thu nhập của mình và quyết
định của các cá nhân này về việc sử dụng số lợi nhuận thu được sẽ quy định lượng cầu của xã hội. Và giá cả - kể
cả giá riêng lẻ và mức giá - xuất hiện như một sự tổng hợp của hai yếu tố này. Tiền tệ, và khối lượng tiền tệ không
phải là những thứ gây ảnh hưởng trực tiếp ở giai đoạn khảo sát này, chúng đã làm xong phần công việc của chúng
ở giai đoạn phân tích sớm hơn. Khối lượng tiền tệ chi phối việc cung ứng các phương tiện dễ chuyển hoán và từ
đó chi phối cả lãi suất, và cùng với các yếu tố khác (đặc biệt là yếu tố tin cậy), chi phối động cơ đầu tư mà động
cơ này lại định mức cân bằng của thu nhập, sản lượng và việc làm và (ở mỗi giai đoạn, kết hợp với các yếu tố
khác) mức giá cả nói chung thông qua các ảnh hưởng của cung và cầu đã được thiết lập.

Tôi tin rằng tới thời gian gần đây, kinh tế học ở bất kỳ nơi nào cũng chịu ảnh hưởng của J. B. Say. Đúng là

“Luật thị trường” của ông đã bị hầu hết các nhà kinh tế học bỏ rơi từ đầu nhưng những nhà kinh tế học này lại
không từ bỏ được những giả thiết cơ bản của J. B. Say, đặc biệt là sai lầm của ông ta cho rằng cầu do cung gây
nên. Ông Say ngầm định rằng hệ thống kinh tế luôn luôn hoạt động ở mức hết khả năng của mình cho nên một
hoạt động mới luôn luôn thay thế, chứ không bao giờ bổ sung cho một hoạt động khác nào đó. Hầu hết lý thuyết

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.