Giọng bà Nhu như nghẹn lại khi bà cố gắng đọc một bài phát biểu chuẩn
bị sẵn. "Bất cứ ai có người Mỹ là đồng minh thì không cần kẻ thù nào nữa".
Bà cáo buộc Hoa Kỳ phải nhận trách nhiệm về vụ đảo chính và, vò cái
khăn giấy, trấn tĩnh đủ để đưa ra một lời dự báo kỳ dị: "Tôi có thể nói trước
với các bạn rằng câu chuyện ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu".
Cha bà, ông Trần Văn Chương, người đã không lúc nào chịu gặp bà
trong chuyến đi dài cả tháng của bà đến Hoa Kỳ, leo cầu thang hậu lên
phòng suite khách sạn của bà Nhu ở tầng tám. Cha và con gái gặp lại nhau
trong khung cảnh riêng tư, và sau đó ông Chương nói với báo chí rằng
không có "nhu cầu phải hòa giải"; họ đã xếp qua một bên những khác biệt
khi cùng nhìn vào thảm kịch. Bà Nhu kể cho Clare Booth Luce một câu
chuyện hoàn toàn khác, và đáng tin hơn nhiều. Cha bà đến thăm bà, bà nói,
vì ông muốn trở về Việt Nam tham gia chính phủ mới, nhưng rõ ràng ông
không thể làm điều đó mà không được sự cổ vũ của con gái. Không, ngay
cả khi ông Chương có thể xoay xở nói về cách thức vượt qua xì-căng-đan
chính trị loại đó. Ồng không thể đơn giản gia nhập vào lực lượng của
những người đã giết con rể ông mà không có vài lời giải thích hoặc sự giúp
đỡ của bà Nhu. Ông đến khách sạn của bà ở Beverly Wilshire để hỏi liệu
ông có thể nói với công chúng rằng người con gái góa chồng của ông đã tha
thứ cho ông.
Nhưng bà Nhu không làm một việc như thế. Bà sẽ không tha thứ cho
ông vì đã bỏ rơi chế độ hồi tháng Tám, và bà sẽ không tha thứ cho ông vì
đã không tiếp bà và Lệ Thủy ở thềm nhà ông. Bà sẽ không bao giờ, không
bao giờ tha thứ cho ông hoặc mẹ bà vì đã khiến tuổi thơ của bà, đứa con gái
thứ bị bỏ bê, khốn khổ đến vậy.
Có lẽ bà Nhu biết rằng ông Chương và vợ ông đã làm xói mòn chính
phủ ông Diệm trong nhiều năm, nhưng có thể bà không biết tất cả chi tiết.
Wesley Fishel, người đứng đầu Nhóm Cố vấn Việt Nam của Đại học
Michigan State về sau chỉ còn tư vấn cho chế độ ông Diệm, trở thành bạn