cho tôi đi. Cô căn dặn tôi đủ thứ, giọng nghẹn ngào và nước mắt rưng rưng.
Tôi cũng không thể nào ngăn nổi cảm xúc. Mắt tôi nhòa lệ. Hình ảnh cô tôi
nhòa theo, tưởng chừng như sắp tan biến đi mất. Tôi thảng hốt ôm chầm lấy
cô:
- Cô! Con đi ít bữa rồi con về! Có tin gì con sẽ báo ngay cho cô biết.
Cô tôi lặng lẽ siết chặt lấy tôi. Tôi luyến tiếc hơi hướng quen thuộc trong
vòng tay từ mẫu của cô. Tiếng "cô" tôi quen dùng để gọi người quả phụ này
đồng nghĩa với tiếng "mẹ" kính yêu. Ôi, mẹ đã nuôi con từ ngày con còn ấu
trĩ, còn nằm ngửa trong lòng mẹ. Mười lăm năm trời trôi qua, mười lăm
năm con được ấp ủ trong tình thương yêu của mẹ. Bây giờ con lại được biết
mẹ chẳng phải là mẹ của con, cũng chẳng phải cô ruột của con nữa! Cay
đắng biết bao!
Tuy thâm tâm tôi nói lên những lời chân thành ấy, dùng dằng chưa muốn
rời khỏi cô tôi - suốt mười lăm năm tôi chưa xa cô tôi lấy một ngày - tôi
vẫn nghe nỗi náo nức âm thầm nhưng mãnh liệt thúc đẩy tôi. Có tiếng gọi
mơ hồ hầu như huyền bí kêu tôi ở phương trời nào đó. Phải chăng đó là
tiếng gọi bi thiết của tình cốt nhục?
Tôi chợt nhớ đến tiếng kêu thảm thương của đôi chim sẻ ngụ trong vườn
nhà tôi.
Một chiều giông bão đôi chim ấy vội bay về tổ thì thấy mất đàn con, vì cái
ổ đã bị gió lùa rơi xuống đất.
Già Lãm đã nhặt ổ chim ấy vào cho tôi, như đem một món đò chơi cho trẻ.
Tôi thích ổ chim non ấy lắm. Nhưng tiếng kêu bi thương của đôi chim mất
con đang vật vờ tìm kiếm trong cơn mưa gió, ám ảnh tôi suốt đêm hôm ấy
và cả những ngày sau nữa. Không thể cầm lòng được tôi đành xin già Lãm
để trả ổ chim ấy vào chỗ cũ.
Tiếng chim kêu ấy bây giờ như đang văng vẳng trong tâm thức tôi.
Tôi buông cô tôi ra, vội vã leo lên chiếc xa hàng đang rồ máy chờ đợi.
Xe chạy. Cô tôi lủi thủi ra về. Tôi mang theo hình ảnh cô tôi suốt cuộc hành
trình. Vợ chồng chị Hương ngồi thủ thỉ với nhau bên cửa xe. Họ là đôi vợ
chồng trẻ. Tình yêu của họ đang độ nồng nàn. Đối với họ mỗi cuộc du hành
dù ngắn hay dài cũng đều là những kỷ niệm thơ mộng. Hai người luôn chỉ