Andrew nghĩ đến chuyện gọi sang cho một đầu mối liên lạc của anh
trong ngành cảnh sát, nhưng anh chợt nhớ ra cô gái ngồi cùng bàn với mình
trong thư viện đang thuê lại căn hộ. Không có lý do nào mà hợp đồng điện
và gaz lại để tên cô cả. Không có giấy tờ hành chính thì không thể tìm hiểu
sâu hơn được. Cái cô Suzie Baker mà anh đã giao chìa khóa nhà vẫn hoàn
toàn vô danh; có điều gì đó bất thường trong chuyện này và Andrew biết
rằng khi bản năng của mình đã báo động, anh hiếm khi nhầm lẫn.
Một người bạn thời trung học của anh hiện làm việc trong sở thuế thành
phố. Anh nhấc điện thoại và được anh bạn cũ cho biết căn hộ 6B tòa nhà số
65 phố Morton thuộc sở hữu của một công ty Na Uy. Một danh tính thật là
kỳ cục đối với một cô bạn gái mạo xưng đang đi châu Âu vài tháng.
Andrew đứng dậy để hâm nóng chân cẳng và suy nghĩ.
-
Cô là ai vậy, Suzie Baker? Anh lẩm bẩm khi ngồi trở lại trước màn hình
máy vi tính.
Anh gõ “Tai nạn Mont- Blanc” trên bàn phím và thấy một danh sách các
thảm họa xảy ra ở ngọn núi này.
Một mục nhỏ trên website một tờ nhật báo của Pháp thông tin về vụ can
thiệp của một ê kíp cứu hộ hồi tháng Giêng năm ngoái đã cứu được một phụ
nữ leo núi bị một cơn bão khiến cho kẹt lại trên độ cao 4.600 mét trong hai
đêm liền. Nạn nhân, đau đớn vì cước và mất nhiệt, đã được đưa về trung
tâm y tế Chamonix. Andrew liếc nhìn đồng hồ treo tường. Đang là 11h sáng
ở New York, tức là 5h chiều ở Pháp. Anh đợi điện thoại nhiều phút liền mới
được nối máy với ban biên tập tờ Dauphiné, nhưng anh không hiểu nổi một
lời nào mà người ở đầu dây bên kia nói, dù người đó đã cố gắng trao đổi với
anh bằng tiếng mẹ đẻ của anh. Andrew chuyển sang một cuộc gọi khác, tới
trung tâm y tế Chamonix và muốn nói chuyện với giám đốc, tự xưng đúng
chức danh hiện tại, tức là phóng viên tờ The New York Times. Người ta bắt
anh chờ, người ở đầu dây bên kia ghi lại số điện thoại mà họ có thể gọi lại