thành phố lớn. Viên tướng trấn thủ Mãn Châu là Trương Học Lương rút
quân bỏ chạy mà không bắn một phát súng. Ngày 19-9 Tưởng tới Giang
Tây thì được tin Mãn Châu thất thủ, ông liền rút quân về lại Nam kinh.
Tưởng Giới Thạch, cũng như Trương Học Lương, tự biết quân đội mình
thua xa Nhật về mọi mặt nên ông không chính thức tuyên chiến với Nhật,
mà chỉ hy vọng sẽ thắng Nhật nhờ vào địa thế rộng lớn của TQ. Ông cũng
hy vọng vào sự can thiệp của Hội Quốc liên, và nhờ đó có đủ thời gian để
hiện đại hoá quân đội.
Để có đủ tiềm lực đánh Nhật, Tưởng phải ngưng chiến dịch tiêu diệt Mao
và kêu gọi Mao hợp tác đánh Nhật. Thế nhưng trong con mắt chiến lược
của Mao thì Tưởng nguy hiểm hơn Nhật nhiều, nên Mao cương quyết tẩy
chay chuyện hợp tác, và khi quân Tưởng rút ra khỏi Giang Tây quân Mao
nhanh chóng chiếm lại những đất đã mất. Sự kiện này đã được các sách
giáo khoa ĐCSTQ viết ngược lại là chính Tưởng đã không chịu hợp tác
chống Nhật. Thực ra thì chính sách của Mao không bao giờ là chống Nhật.
Sau này chính Mao xác nhận: "Nếu không có Nhật, giờ này chúng tôi còn ở
trên rừng".
Ngày 7-11-1931 Mao tuyên bố thành lập chính phủ cách mạng ở Giang
Tây, lấy Thụy Kim làm thủ đô, dù không một quốc gia nào thừa nhận kể cả
Liên Xô. Một Uỷ ban nhân dân ra đời và Mao là thủ tướng kiêm luôn Chủ
tịch nước. Danh từ Chairman Mao (Mao chủ tịch) có từ đó.