giúp bố mẹ về cái gì mới được chứ? Phải hiểu cho bố mẹ chứ! Chính điều
đó đấy, đó mới là điều bố mẹ cần. Tìm ra những câu chữ có thể nói lên sự
thật, chẩn đoán xem nỗi đau nào đã cuốn con đi ở tuổi 13, cô con gái bé
bỏng của mẹ. Buổi tối, bố mẹ đã lục lọi bừa bãi hệt như những tên trộm
trong phòng ngủ của con, vốn được sắp xếp hết sức gọn gàng, bồn chồn nôn
nóng tìm kiếm những dấu hiệu.
Trong cặp sách cũ của con, bố mẹ đã phát hiện ra một chiếc chìa khóa
và một ổ khóa được dùng để khóa ngăn tủ cá nhân của con ở trường học, cái
cặp sách con đã không còn sử dụng kể từ khi mẹ tặng cho con một cái mới
vào hồi tháng Mười hai. Cặp sách mới này thì đầy ứ, được sắp xếp gọn
gàng, tỉ mỉ đúng như thói quen của con. Với hộp bút, những quyển vở, thứ
nào thứ nấy đều có chỗ riêng của chúng. Bố mẹ đã tìm thấy cuốn sổ liên lạc
của con. Có những hai cuốn!
Bố mẹ quay sang nhìn nhau. Làm sao mà con lại có những hai cuốn sổ
liên lạc nhỉ? Hoàn toàn bị kích động, bố mẹ lần giở cuốn đầu tiên. Đúng là
cuốn mà bố mẹ đã quen thuộc, cuốn mà con đã đưa bố mẹ ký kể từ hôm con
bị mất cuốn đầu tiên, cuốn nói về một học trò gương mẫu, gì thì gì, đó là học
trò không hề gây rắc rối.
Thế rồi bố mẹ vớ lấy cuốn thứ hai, như thể nó sẽ thiêu đốt bố mẹ vậy.
Đó là cuốn mà con đã nói là bị mất hồi tháng Giêng. Vậy là con đã nói dối
bố mẹ.
Nín thở, bố mẹ lật giở từng lời đánh giá nhận xét của thầy cô giáo mà
con đã muốn giấu kín. Kể từ tháng Mười hai, các thầy cô đã ghi rõ những
thay đổi trong cung cách ứng xử, những lần nói chuyện riêng làm mất trật tự
trong lớp, nhiều buổi đi học muộn mà không có lý do, kể cả khoảng giữa hai
tiết học. Để ký nhận những nhận xét ấy, con đã bắt chước chữ ký của bố,
trong khi bình thường thì luôn là mẹ ký sổ liên lạc.
Mẹ nhớ lại hôm con nói bị mất sổ liên lạc. Vào tháng Mười một năm
2012, có thể là tháng Mười hai cũng nên. Cả nhà đã tìm kiếm khắp nơi. Mẹ
như đang thấy mình nhắc đi nhắc lại: “Chúng ta sẽ tìm thấy nó thôi, thật