Vưu mới hiểu rõ: mọi vinh hoa phú quý, hưởng lạc, đều chẳng bằng được
làm một con người hữu dụng. Huống chi những tôn quý khi trước chỉ là hư
danh, là cái vỏ, thậm chí là nhà ngục.
Vì thế, vụ Mai thuyền rùng rợn kinh hãi nhưng cũng khiến ý chí mãnh
liệt trong lòng Triệu Bất Vưu trỗi dậy. Đây chẳng phải ý thức đại nghĩa đại
dũng to tát gì, nhung nó là tập hợp của những u uất từ thời thơ ấu dồn nén
và những hậm hực đối với những quy tắc trói buộc bởi thân thế. Hậm hực,
rồi đi đến đâu? Nhưng vẫn còn hơn sống rụt rè thu mình lại, phí hoài cả áo
cơm.
Từ ngõ Đan Biều đến phường Lễ Thuận không xa, đều ở ngoại ô phía
đông thành, Triệu Bất Vưu đi bộ men sông Hộ Long theo hướng bắc. Bờ
sông gió nhẹ mát mẻ, những chùm tơ liễu đung đưa, một đàn hạc trắng vừa
kêu vừa bay ngang trời, Triệu Bất Vưu thấy lòng sảng khoái, bỗng nổi thi
hứng và ngâm nga một bài theo điệu “Đạp sa hành”:
Gió đưa vạn dặm, muôn làn sóng gợn mãi xa xa,
Đôi bờ đê, ngày xuân, liễu xanh xanh lả lướt.
Lòng ta hằng khát vọng trời cao, rộng mở đến vô cùng.
Lời ca chạm mây trời, khói sương thì thầm hát, quá đủ để vang bốn
phương.
Đất rộng trời cao, chàng cứ đi. Đâu cần đánh trống rung chuông thêm
hùng tráng?
• • •
Đang đi, bỗng nhìn thấy một người thấp mập đang xăm xăm bước lại
gần, thì ra là Trịnh Đôn.
“Chào Bất Vưu huynh.” Trịnh Đôn gấp gáp chắp tay.
“Huynh đang…”
“Tôi vừa đến nhà Giản Trang, Chương Mỹ vẫn chưa về, tôi đang định
đi nơi khác tiếp tục tìm. Mấy ngày qua tôi đã gặp gần hết những người
quen của Chương Mỹ nhưng không ai biết anh ấy đi đâu.”