viện từ chối lời đề nghị của ông, ông đã khởi kiện để đòi quyền
được chết.
Đó quả là một kịch bản hay, lột tả được cuộc đấu tranh đầy cảm
động của một người đàn ông với đầu óc minh mẫn, hóm hỉnh, tràn
đầy sức sống bị mắc kẹt trong một cơ thể vô dụng. Đồng thời nó
cũng nêu bật lên những tranh cãi xoay quanh cái chết nhân đạo trên
phương diện pháp lý và đạo đức. Trong quá trình theo đuổi đấu
tranh pháp lý, người đàn ông bỗng cảm nhận những khác biệt rõ rệt
trong cuộc đời mình. Ông bắt đầu thiết lập mối quan hệ với mọi
người xung quanh, và chính những thử thách trong vụ kiện đã khiến
cuộc sống thường nhật của ông trở nên có ý nghĩa. Tôi sẽ không nói
cho bạn nghe về kết cục của vở kịch; tôi chỉ nói rằng nếu bạn có
dịp xem vở kịch đó (hoặc bộ phim được chuyển thể do Richard
Dreyfuss đóng), tôi cam đoan bạn sẽ có một buổi tối đáng nhớ và
nhiều suy ngẫm.
Là một sinh viên theo học ngành Luật, tôi đặc biệt thích vở kịch
này bởi ngay tại thời điểm đó chúng tôi đang tìm hiểu những tranh
cãi về mặt pháp lý và đạo đức xoay quanh cái chết nhân đạo trong
khóa học của mình. Một trong những vấn đề chính mà vở kịch nêu
lên là liệu người ta có đủ tỉnh táo và tinh thần ổn định để đưa ra một
quyết định sáng suốt ngay sau khi phải chịu một tổn thương sâu
sắc cả về thể xác lẫn tinh thần hay không. Nếu không, thì cần
một khoảng thời gian bao lâu, hoặc cần kiểm tra những gì nhằm
xác định người đó có đủ khả năng đưa ra một quyết định dựa trên lý
trí?
Buổi diễn kịch năm 1981 này đặc biệt đáng nhớ bởi sau khi vở kịch
kết thúc đã diễn ra một cuộc thảo luận cởi mở về những vấn đề
mà cốt truyện nêu ra. Đạo diễn của vở kịch được mời lên sân khấu
cùng với một giáo sư Luật, một giáo sư Tâm lý học và hai người đàn
ông khác, cả hai đều ngồi xe lăn.