như tia lửa nhóm lên những mối quan hệ mật thiết hơn giữa người
và người trong xã hội, đặc biệt là với bạn bè và người thân của chúng
ta, và còn mang đến nhiều mối quan hệ mới mẻ khác.
Ngày nay, hầu hết các bài thực hành mang lại cảm giác hạnh
phúc do các nhà “tâm lý học tích cực” thử nghiệm đều tập trung vào
việc giúp đỡ con người mang lại sự gần gũi với cộng đồng. Khoa học
cuối cùng đã bắt đầu hiểu được sự uyên thâm của đức Đạt Lai Lạt
Ma:
Con người chúng ta là những sinh vật xã hội. Chúng ta đến với
thế giới này là do kết quả từ hành động của người khác.
Chúng ta tồn tại dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau. Dù muốn dù
không, hầu như không có lúc nào trong cuộc sống mà chúng ta
không hưởng lợi từ việc làm của người khác. Vì vậy, không có gì
ngạc nhiên khi phần lớn hạnh phúc của chúng ta bắt nguồn từ
những mối quan hệ với người khác.
Thứ sáu, ngày 29 tháng 2 năm 2008, đội tuyển bóng rổ trường
trung học Wayne High School Badgers tại Bicknell, Utah đang thi
đấu vòng bán kết 1A cấp tiểu bang. Đội trưởng là chàng trai 18 tuổi
Porter Ellett. Thoạt nhìn, những ai chưa biết về anh có thể thắc
mắc tại sao anh lại có mặt ở đây. Tại sao đội tuyển bóng rổ của một
trường trung học lại thu nhận người chỉ có một cánh tay?
Porter mất đi cánh tay phải ở tuổi lên bốn sau một tai nạn, lúc đó
anh té xuống gầm chiếc xe tải nhỏ và bị bánh xe nghiền nát cánh
tay. Từ đó về sau tay anh rất yếu và sau hơn chục lần gãy xương,
anh quyết định để bác sĩ cắt bỏ tay mình. Anh nói, “Như thế có vẻ
ít rắc rối hơn nhiều.” Đáng nói hơn nữa, Porter là người thuận tay
phải và anh phải học chơi tất cả các môn thể thao bằng cánh tay trái
yếu hơn của mình.