Khi Mitchell điều khiển chiếc xe môtô đến gần giao lộ đường
số 26 và đường South Van Ness thì một chiếc xe giặt ủi lưu động
phóng ra trước mặt anh. Hai chiếc xe đâm sầm vào nhau, chiếc xe
máy trượt dài trên đường, đè dập khuỷu tay và xương chậu anh, sau
đó nắp bình xăng văng ra. Sức nóng động cơ khiến bình xăng bắt
lửa, và trong tích tắc, Mitchell bốc cháy phừng phừng. “Tôi trở
thành một ngọn đuốc sống,” anh hồi tưởng lại. Nếu không nhờ
người nhân viên làm việc ở bãi xe gần đó phát hiện thì chắc anh
không sống nổi. Người nhân viên đó vội vã chạy tới và dập tắt ngọn
lửa trên người Mitchell bằng một bình chữa cháy. Khi ngọn lửa cuối
cùng được dập tắt, 65% cơ thể anh đã bị phỏng nặng. Nhờ có nón
bảo hiểm nên phần lớn da đầu anh không bị tổn thương và chiếc
áo khoác da cũng phần nào bảo vệ được cơ thể anh. Nhưng mặt,
cánh tay và hai chân của anh đã bị nướng chín. Hai bàn tay anh cháy
đen thành than, hai chân anh đỏ quạch và chín tái. Mitchell bất tỉnh
trong suốt hai tuần. Cuối cùng khi tỉnh lại, anh phải chịu đựng sự
đau đớn cực độ, và đối diện với một tương lai nghiệt ngã.
W. Mitchell phải chịu 13 lần truyền máu, 16 ca phẫu thuật ghép
da và nhiều phẫu thuật khác trong suốt bốn tháng trước khi được
cho về nhà. Sau khi xuất viện, anh nhớ lại mình đã “mất rất
nhiều thời gian tìm cách làm những việc thường ngày”. Anh phải học
lại cách tự làm mọi việc cho bản thân. Anh nói, “Tôi không thể cầm
nổi cái nĩa, thay quần áo, đi vệ sinh, bấm số điện thoại mà không
cần sự giúp đỡ.” Nhưng W. Mitchell không phải là người dễ dàng bỏ
cuộc. Anh cố gắng làm mọi thứ và sáu tháng sau khi gặp nạn, anh
đã bay trở lại.
Phải có lòng dũng cảm to lớn và sức mạnh phi thường mới có thể
vượt qua được chấn thương, nhưng việc vượt qua hai bi kịch khủng
khiếp đòi hỏi nhiều hơn thế. Bốn năm sau vụ tai nạn xe máy, W.
Mitchell bị rơi máy bay; anh là người duy nhất trên máy bay không