Hoặc là, Bùi Thiệu Huy không phải được an bài trá hàng, mà là tự mình
quyết định. Cũng giống như Lăng Phong, ngẫu nhiên rơi vào Nam phủ, làm
một “điệp viên hai mang”.
Nhân tiện nói, xưa nay trong nghề tình báo, “điệp viên hai mang” không
đến thời điểm cuối cùng, ngươi căn bản không thể biết hắn thuộc phe nào.
Thậm chí, ngay cả lúc tưởng chừng mọi chuyện đã xong, công cáo thiên hạ
người này chính là một điệp viên ưu tú của quốc gia, ngươi cũng không thể
biết hắn thực sự theo ai. Bởi vì vào lúc mấu chốt, biết đâu hắn đã đổi ý, còn
sự thật thì... sống để bụng chết mang theo.
Cho nên, “hai mang” quan trọng nhất cũng không phải bản lĩnh ra sao,
mà là vào lúc cuối cùng lựa chọn đúng phe thắng. Chọn trúng thì thành anh
hùng, chọn sai thì thành kẻ phản bội.
Chẳng qua, nếu muốn “hai mang”, Lăng Phong ít nhất phải liên lạc
được về tổng bộ. Bằng không, sau này trở về không có bất kỳ cái gì chứng
thân. Chẳng lẽ nói, “đại nhân, thuộc hạ lúc đó tình hình khẩn yếu, kẻ địch
tứ bề, để bảo vệ mạng sống... à không đúng để thu thập tình báo tận trung
báo quốc, thuộc hạ đành... phản bội. Nhưng, chỉ là giả vờ mà thôi.”
Ai sẽ tin đoạn thoại đầy chính nghĩa này?
Trở lại chuyện cũ, Lăng Phong nghi ngờ Bùi Thiệu Huy ra sao, Bùi
Thiệu Huy chắc chắn cũng sẽ nghi ngờ hắn y như vậy. Nhưng xưa nay,
phàm dân chơi “hai mang” đều luôn chơi một mình, tuyệt đối không chơi
nhiều người. Bởi như vậy là để kẻ khác nắm được thóp, về sau có muốn lật
mặt cũng không lật được.
Lăng Phong không thể bước ra nói, “Bùi huynh, ngươi là phản thật hay
giả vậy? Nói một chút anh em chúng ta hợp tác chơi” đi. Lời này gặp thằng
ngu thì mọi chuyện đại cát, gặp phải kẻ ngoan lạt, hoàn toàn có thể tương
kế tựu kế. Đã có gan “hai mang”, xác suất ngu đần lại không nhiều lắm.