nhà. Vì vậy Mỹ cũng không trách... Dù Mỹ biết bên cạnh đó còn có nguyên
do khác, đó là sự hiện diện của Di, nhưng Mỹ là người vợ phương Đông an
phận đúng nghĩa. Mỹ yên lặng cố giữ hạnh phúc gia đình trọn vẹn.
Di biết, nếu có sự hoán vị, chưa hẳn là Di chấp nhận như vậy.
Phải chăng vì Mỹ đã được giáo dục bằng cái khuôn sáo nho giáo nhuần
nhuyễn. Hay vì Mỹ là con người độ lượng? Di cũng không biết. Mỹ chẳng
những biết cách chiều chuộng chồng mà cả người đàn bà mà chồng ưa
thích, Mỹ cũng chiều chuộng nốt. Bằng chứng là thỉnh thoảng Mỹ đã làm
những thức ăn mà Di thích rồi mời cả Di đến nhà ăn... Điều này đôi lúc làm
Di nhột nhạt, Di có cảm giác như Mỹ ở tận trên cao và nàng không dám
nhìn thẳng vào mặt Mỹ.
Nhưng rồi... Có lẽ vì tình yêu. Di yêu Triết và ngược lại, nên Di phải tảng
lờ với mọi thứ... Mà thái độ của Mỹ làm Di không dám hành động quá lố...
Thế là cứ phải giữ mãi cái tình trạng lững lờ này.
Họ không dám công khai ra mặt dù ai ai cũng đều biết... Không dám mướn
cả một căn hộ để sống chung. Có chăng nơi gần gũi chỉ là khách sạn và
quán trọ.
Và điều này làm Di nhiều lúc ray rứt.
Bởi vì ngoài tình yêu ra. Chuyện Di vào khách sạn với Triết cũng nào có
khác gì bao nhiêu cô gái sống bằng thân xác khác? Và mỗi lần nghĩ đến
điều đó. Di lại thấy ngờ vực tình yêu.
Không, không nên nghĩ sâu quá... Được gặp nhau thì đã là tình yêu rồi. Đã
mấy năm qua chứ nào phải mới đây? Sao lại đặt chuyện này thành vấn đề?
Triết không phải là người đàn ông đẹp trai. Khả Di yêu Triết không phải ở
cái vóc dáng mà là toàn bộ con người chàng, từ cá tính trình độ đến cái
cách thức làm việc...
Nhưng tại sao mãi đến hôm nay, Di vẫn chưa gột rửa được mặc cảm, mặc
dù rất yêu Triết?
Có lẽ là không phải, đấy chẳng qua chỉ vì cái ác cảm với khung cảnh của
khách sạn thôi, chứ tình yêu thì không hề phai mờ.
Khả Di khẽ thở dài, không ngờ Triết lại giật mình tỉnh dậy.
- à, em đã thức rồi đấy à?