được nhà văn viết truyện kỳ ảo nổi tiếng người Nhật là Edogawa Rampo
viết lời đề tựa. Rồi tự tôi lại thực hiện một phiên bản tiếng Trung của cuốn
sách này và nhà xuất bản Nanyang Press tại Singapore ấn hành vào năm
1953, dưới tựa đề Địch Công kỳ án. Cả hai ấn bản này đều được đón nhận
nồng nhiệt trong ngành xuất bản ở Nhật Bản và Trung Quốc. Có động lực
từ thành công trên, tôi viết thêm hai cuốn truyện về Địch Công là Bí Mật
Quả Chuông và Thuyền Hoa Án, các phiên bản tiếng Nhật và tiếng Trung
của hai cuốn này cũng chuẩn bị xuất hiện.
Sau khi đạt được mục tiêu chính, tôi thấy các độc giả phương Tây cũng có
thể sẽ thích thú với kiểu truyện trinh thám mới này. Bởi thế, tôi quyết định
xuất bản nguyên bản tiếng Anh của cuốn Mê Cung Án, một bước tiến khi
mà các yếu tố Trung Quốc được các nhà văn phương Tây giới thiệu nhiều
đến mức tôi nghĩ độc giả sẽ hào hứng muốn xem phong cách Trung Quốc
thực sự sẽ như thế nào.
Để biết thêm thông tin về nền tảng của cuốn sách này và các nguồn tư liệu
của Trung Quốc được sử dụng, mời độc giả tham khảo phần tái bút của tôi
ở cuối sách. Có thể nói rằng, tôi mượn ba cốt truyện từ các nguồn tư liệu cổ
của Trung Quốc để viết lại thành một câu chuyện liền mạch, xoay quanh vị
thần thám trứ danh thời Đường ở Trung Quốc là Địch Nhân Kiệt. Tôi giữ
lại các đặc điểm tiêu biểu của các truyện trinh thám Trung Quốc xưa kia,
như đoạn mở đầu sẽ mang một vài ý niệm trong các sự kiện chính của câu
chuyện, tên chương sẽ là hai câu đối xứng, nói lên hai yếu tố đặc biệt giúp
quan án hóa giải đồng thời một số tình tiết… Và nói chung, tôi cố giữ gìn
phong cách và khí chất Trung Hoa nhiều nhất có thể.
Bối cảnh trong truyện được xây dựng ở huyện Lan Phường, một địa danh
tưởng tượng ở biên giới Trung Quốc, trong giai đoạn thế kỷ VII sau Công
Nguyên. Người đọc sẽ thấy một bản đồ kiểu Trung Hoa của huyện này ở
đầu cuốn sách. Các bức họa được chính tôi vẽ theo phong cách minh họa
sách thời Minh.