gì vô cùng quan trọng. Nhưng vì sao nó lại ở trong núi Dã Nhân? Và vì
sao có người không tiếc tiền bạc thuê đội thám hiểm đi tìm kiếm nó?
Trộm nghĩ trong đó chắc chắn phải ẩn chứa một nguyên do bí mật không
thể tiết lộ.
Ngọc Phi Yến gật đầu thừa nhận phán đoán của Tư Mã Khôi là
đúng, có điều cũng chẳng có nguyên do gì không thể tiết lộ. Thì ra sau
khi Thế chiến thứ hai kết thúc, trước thềm các nước Miến Điện, Ấn Độ...
sắp thoát khỏi ách thống trị của chế độ thuộc địa thực dân Anh, người
Anh đã phái không quân đến chuyên chở hàng loạt bảo vật quý hiếm
cướp bóc được ở Miến Điện, chuẩn bị đưa ra cảng biển lên thuyền vận
chuyển về Bảo tàng đế quốc Anh ở bản địa.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển bí mật này, một
chiếc máy bay tiêm kích vận tải của không quân Hoàng gia Anh, vì gặp
phải thời tiết xấu, đã buộc phải đi lệch tuyến đường phi hành, rơi xuống
lòng núi Dã Nhân.
Thông qua báo cáo của các phi hành viên trên máy bay chiến đấu
đi hộ tống, thông tin cuối cùng họ nhận được từ chiếc tiêm kích vận tải
là: “Chúng tôi bị rơi vào sương mù...” điểm rơi là một khe núi lớn trong
rừng nguyên sinh. Có lẽ do ảnh hưởng của dòng không khí lưu thông
trong khe núi và kết cấu chiếc phi cơ tương đối nhẹ, nên nó không bị
đâm vào núi rơi tan xác ngay lập tức.
Có điều, nơi sâu thẳm trong khe núi khổng lồ đó sương mù dày
đặc, đã khiến tầm nhìn từ trên không bị cản trở. Sau khi chiếc tiêm kích
rơi vào màn sương bí hiểm mênh mang chẳng bao lâu, lập tức vang lên
những tiếng gào thét tuyệt vọng kinh hoàng của các thành viên phi hành
đoàn, rồi tất cả rơi vào im lặng và hoàn toàn đoạn tuyệt mọi thông tin với
thế giới bên ngoài.
Sau khi thông tin được truyền đến phía quân đội, họ lập tức điều
động nhân viên, tổ chức thành các phân đội cứu viện, chia thành nhiều
ngả tiến vào núi Dã Nhân để tìm kiếm tung tích chiếc máy bay. Thậm chí