Bốn người đóng cửa phòng chứa đồ lại, đi sang phòng cung cấp điện
ở phía đông, bật đèn quặng kiểm tra cỗ máy khổng lồ. Những đường dây
dẫn điện thông xuống lòng đất sợi nào sợi nấy to như cổ tay.
Tư Mã Khôi nói: “Phải nghĩ cách cung cấp điện phục hồi cho trạm
thám trắc mới được, nếu không, khoang giảm áp và nhiều máy móc thiết
bị đều không thể hoạt động bình thường được.”
Thắng Hương Lân hỏi Tư Mã Khôi: “Anh có biết sửa chữa máy móc
thiết bị không?”
Tư Mã Khôi đáp: “Giết gà thì cần gì đến dao mổ bò. Ngày trước, anh
Thiết Đông – người dẫn bọn tôi sang Miến Điện, trước cách mạng từng
là nghiên cứu sinh của Học viện Kỹ thuật quân sự. Hải ngọng đã học mót
không ít ngón nghề của anh ấy, ngay cả xe tăng, xe hơi cậu ấy còn vật ra
sửa được nữa là. Hon nữa, cái máy phát điện Desire do Liên Xô sản xuất
này chắc là loại đời cũ, nước ta thường nhập số lượng lớn vào đầu những
năm 50, rất nhiều công xưởng đến bây giờ vẫn còn sử dụng, nếu hỏng
hóc không quá nghiêm trọng thì chắc cậu ta ứng phó được.”
Hải ngọng liếc mắt nhìn rồi nói: “Chuyện này cứ để tớ lo, máy móc
Liên Xô phần lớn đều được sản xuất theo tiêu chuẩn hồi chiến tranh,
thằng cha này cũ mẻm cũ mèm rồi”. Thế là, anh tìm vài dụng cụ rồi bước
lên trước, gõ gõ đập đập một hồi, chiếc máy phát điện phát ra những âm
thanh coong coong điếc tai, thiết bị bắt đầu hoạt động trở lại. Nhưng
bóng đèn có lưới bảo vệ gắn trên tường, chỉ lóe lên mấy cái rồi vụt tắt
cùng với tiếng nổ “bùm” chát chúa. Bốn phía xung quanh lại rơi vào màn
đêm đặc quánh.
Hải ngọng bất lực nói với Tư Mã Khôi: “Tuy cái máy này hỏng
không nặng lắm, nhưng bị ngắt máy suốt mười mấy năm, lại không được
duy tu bảo dưỡng, cho nên chỗ nào cũng có những tật nhỏ. Muốn nó hoạt
động trở lại bình thường, chí ít cũng phải mất hai ba tiếng nữa.”
Tư Mã Khôi móc chiếc đồng hồ ra xem giờ, rồi hỏi Hải ngọng: “Cậu
có chắc chắn không đấy?”