bức tường chia động thành hai gian thạch thất, và hai gian giống
nhau một cách khác thường. Chỉ có điều, phía trên gian thạch thất
thứ hai này là vách đá kín, dưới chân vách lại có cửa hang thông
nhau và không có bất cứ vật gì che cản.
Mọi người không dám nấn ná lâu, vội vàng giơ cao đuốc tiếp
tục chạy vào sâu hơn. Chạy được một hồi, cả hội lại nhìn thấy một
vách đá chắn ngang trước mặt và dưới chân vách đá vẫn là ba cửa
huyệt động xếp liền kề nhau; lạ lùng hơn, vách đá này giống y đúc
vách đá mà mọi người vừa mới đi qua. Tuy ngạc nhiên, nhưng vì
bọn cương thi đang bám riết sau lưng, nên mọi người không có thì
giờ quan sát địa hình xung quanh, đành đánh liều chui tiếp vào
trong, rồi cứ đi qua một gian là lại thấy một gian khác y như vậy,
nên hội Tư Mã Khôi càng lúc càng hoang mang.
Năm người thâm nhập bên trong, không biết đã đi qua bao
nhiêu vách đá, mà đối diện mỗi vách đá vẫn là môt gian thạch thất
giống y hệt các gian trước, rồi chui mãi mà vẫn chưa thấy địa hình
có gì thay đổi so với trước đó.
Cả hội thấy sơn động này quá sức quái dị, chỉ có trời mới biết
nó thông tới đâu. Kết cấu trong sơn động chắc không thể do thiên
nhiên tạo hóa tạo thành, bởi không thể tồn tại khả năng có mấy
chục gian thạch thất đều giống nhau, y đúc về cả hình dạng và quy
mô; không những vậy, mà các gian đều ngăn nhau bởi một vách đá,
nhưng mọi người cũng không thấy dấu tích đục đẽo của con người,
thậm chí có thể hoàn toàn loại trừ khả năng do con người tạo ra,
bởi vì sức lực con người tuyệt đối không thể xây dựng được công
trình tuyệt tác đến như vậy. Cả hội không biết rốt cuộc là do địa
hình giống nhau, hay mọi người đang không ngừng lặp đi lặp lại
trải qua cùng một sự kiện giữa hai điểm?
Bọn cương thi vẫn không chịu bỏ cuộc, chỉ có điều vì do yếu tố
địa hình hạn chế khả năng hành động, nên bọn chúng không thể
đồng loạt nhào lên. Hội Tư Mã Khôi cũng bị địa hình bức bách,
không ai dám chậm chân nửa bước, liên tục chui hết qua vách đá