Vũ Vương còn gọi nó là đỉnh mẫu, Sơn Hải Đồ chạm khắc trên thân đỉnh
là những bí mật kinh thiên động địa. Thế nhưng ghi chép về nguồn gốc
của đỉnh đồng Vũ Vương trong lịch sử hầu như rất đại khái, không rõ
ràng, vậy mà không ngờ, nó lại xuất hiện trong tòa thành cổ dưới lòng
đất này.
Hải ngọng nhìn mãi mà vẫn không hiểu gì, liền sốt ruột giục: “Đâu? Bản
đồ đâu? Tôi thấy mấy cái đỉnh đồng to tổ bố này chẳng có tí ý nghĩa thực
tế nào với đội khảo cổ bọn ta cả. Mau rời khỏi đây thôi! Đừng mất thời
gian với nó nữa!”.
Tư Mã Khôi nói: “Hải ngọng nhà cậu đúng là đồ ăn no vác nặng, trước
đây suốt ngày nghe giáo sư Nông địa cầu nói cái gì mà quốc bảo “Tứ
dương phương tôn” (2) , “Quách quý tử Bạch bàn” (3) , kiếm Việt
Vương, gương Tần đế đấy thôi, nhưng nếu đặt trước cái đỉnh bằng đồng
xanh này thì mấy thứ kia chỉ là hạng tép riu đáng hàng con cháu. Đây
đúng là cơ duyên ngàn đời khó gặp, đồng thời cũng là phát hiện quan
trọng nhất kể từ khi chúng ta từ Đại Sa Bản tiến vào lòng đất đến nay
đấy!”.
[2] Tứ dương phương tôn: là một trong những quốc bảo đặt ở viện bảo
tàng Nhân dân Bắc Kinh, đó là bình đựng rượu làm bằng đồng xanh,
bốn góc gắn bốn cái đầu cừu.
[3] Quách (hoặc Quắc) Quý tử Bạch bàn: được xếp vào quốc bảo hạng
nhất của Trung Quốc. Đó là chậu rửa tay của Quắc Tuyên Công, còn gọi
Quắc Quý tử Bạch. Trong lòng chậu có 111 chữ triện cổ ghi lại chiến
công Quắc Quý tử Bạch đại thắng quân Hung Nô ở bờ bắc Lạc Hà.