khắc đầy kí hiệu kỳ quái tựa hình nòng nọc, khi ghép lại thì dường như nó là
một tấm bia đá cổ đại đã bị vỡ nát.
Rasputin cảm thấy tấm bia đá được người cổ đại vùi trong động, rất có khả
năng sẽ ghi chép nhiều dữ liệu về kho báu trong núi, với lòng tham không
đáy, ông ta muốn tìm mọi cách để phá giải ý nghĩa những dòng chữ này. Kỳ
thực, đây chính là nửa còn lại của tấm bia Bái Xà đã bị hủy hoại, cho dù cố
gắng lắm cũng chỉ nhận ra được bốn, năm chữ trên tấm bia là cùng. Thời đó,
vẫn còn rất ít người bản địa lai vãng ở vùng núi Altai, tổ tiên của họ chắc có
tiếp xúc với người Bái Xà, nên đến ngày nay vẫn giữ gìn được hệ ngôn ngữ
và chữ viết tượng hình nguyên thủy của mấy ngàn năm trước, những người
này có thể căn cứ vào dòng chữ trên tấm bia đọc được chữ triện cổ, nhưng
chẳng ai có thể lý giải được ý nghĩa hàm chứa trong đó. Rasputin như bị ma
xui quỷ khiến, trong lòng ông ta không thể quên được tấm bia đá như một ẩn
số kia. Vậy là, ông ta ghi lại tỉ mỉ quá trình phát hiện và mày mò tìm hiểu về
tấm bia. Nhưng lúc Rasputin chuẩn bị tiến hành bước tiếp theo để kiếm tìm
đáp án, thì cách mạng Nga bùng nổ, trong tiếng pháo bắn ầm ầm vào cung
điện Mùa đông, chế độ thống trị Sa hoàng hủ bại và chuyên quền cuối cùng
cũng bị lật đổ. Rasputin đành phá hủy tấm bia còn sót lại đó, buông tay về
nước. Trước lúc về nước ông ta dùng thuốc nổ phá tan tành hố quặng số 111.
Suốt nhiều năm sau, không ai còn biết đến sự tồn tại của hố quặng ở bắc Tân
Cương nữa, mãi đến năm 1935, cục thám trắc Liên Xô bất ngờ phát hiện
thấy tài liệu mà Rasputin để lại, họ phát động cuộc tìm kiếm hố quặng số
111 ở Tân Cương, đồng thời tổ chức khai thác với quy mô lớn, do công nhân
khai thác đến đây quá nhiều nên bản địa dần dần hình thành thị trấn khu
quặng với nhân khẩu khá đông.