Mọi người đều bị nước bỏng bắn lên làm phỏng rộp, giờ ngồi nghỉ mới thấy
toàn thân đau rát, nhưng ai cũng cố nén đau tắt đèn quặng, họ vừa chỉnh đốn
lại vũ khí đạn dược, vừa thì thầm thảo luận bước hành động tiếp theo dưới
ánh đom đóm mờ ảo.
Tư Mã Khôi ngờ rằng tấm bia đá có khả năng chính là đường phân cách ranh
giới giữa hư vô và hiện thực, phần lớn bích họa kéo dài đến tận cửa động
đều miêu tả cảnh người chết biến thành ma, rồi đi qua đây rơi xuống biển hư
vô, bởi vậy phía sau tấm bia đá có lẽ là hư vô.
Hải ngọng không hiểu vậy nghĩa là gì, bèn hỏi: “Nơi người chết đến…
chẳng phải chính là hoàng tuyền dưới âm phủ sao?”
Tư Mã Khôi nói, anh cũng chỉ suy đoán thôi, sự việc có khi không đơn giản
như vậy, còn hư vô là gì thì không thể giải thích rõ bằng dăm ba câu được.
Năm đó, giới lục lâm có một tích cũ, nói rằng những năm cuối thời Minh,
bọn thảo khấu làm loạn ở Thiểm Tây, triều đình huy động quân binh đi tiễu
phỉ. Trước đây, triều đình gọi nhóm người này là “phỉ lưu động”, nhưng
người về sau thì gọi là nhân dân khởi nghĩa. Khi ấy nghĩa quân chuyển vùng
hoạt động ở nhiều tỉnh, liên tục chiến đấu ác liệt với quan quân triều đình,
nên mãi không có cơ hội nghỉ ngơi, chỉnh đốn quân ngũ. Quân khởi nghĩa
thương vong rất nhiều, nhưng điều quan trọng nhất là thiếu quân lương trầm
trọng, tình hình nguy kịch như thỏ sa hang cọp, lúc nào cũng có khả năng bị
tiêu diệt toàn quân.
Năm đó, cương triều bại hoại, lòng dân bất mãn, nơi nào cũng có người âm
thầm giúp đỡ nghĩa quân, đến đâu họ cũng được cung cấp thêm lương thực,
quân dụng. Một ngày, có một người con gái giang hồ đến phủ Khai Phong ở
Hà Nam hát dạo. Cô nương ấy dung mạo tuyệt sắc, khiến người dân địa