IQ TRONG THỂ THAO
Đọc tới đây, có thể bạn sẽ nghĩ rằng, mọi người sẽ phải công nhận mối liên
quan giữa luyện tập và tiến bộ - giữa tâm trí và thành quả - và thôi không
chú trọng quá vào những tài năng bẩm sinh nữa. Nhưng đa số lại như thể cố
tình lờ đi mối liên quan ấy. Như Malcolm Gladwell từng nói, mọi người coi
trọng những ai sinh ra đã giỏi hơn là những người phải cố gắng để đạt được
thành tựu. Dù nền văn hóa của bạn có tuyên truyền bao nhiêu về nỗ lực cá
nhân và phát triển bản thân, nằm sâu trong tâm thức, chúng ta vẫn sùng bái
những tài năng thiên bẩm. Chúng ta thích nghĩ về những người hùng và
thần tượng như thể họ được sinh ra khác với chúng ta. Chúng ta không
thích nghĩ về họ như những người có điểm xuất phát bình thường, và tự họ
biến chính họ thành những người xuất chúng. Tại sao lại như vậy? Ngay cả
khi các chuyên gia phát hiện ra vai trò của tâm trí, họ vẫn cứng đầu cho
rằng thành công là nhờ vào năng khiếu.
Điều này thể hiện rõ khi tôi đọc một bài báo về Marshall Faulk, một
cầu thủ thành công trong đội bóng bầu dục St. Louis Ram. Faulk vừa trở
thành cầu thủ đầu tiên chạy được xấp xỉ 1.829m trong 4 mùa giải liên tiếp.
Bài báo ấy được xuất bản vào một buổi tối năm 2002 khi giải Super
Bowl đang diễn ra, nói về khả năng lạ thường của Faulk khi anh có thể
nhận biết chính xác vị trí của mọi cầu thủ trên sân, ngay cả khi trên sân lúc
đó là 22 cầu thủ hỗn độn, kẻ chạy người ngã. Không những anh biết ai đang
ở đâu, anh còn biết họ đang làm gì, và họ sẽ làm gì. Theo lời của đồng đội
của anh, anh chưa bao giờ nhầm lẫn.
Thật không thể tin được! Làm thế nào anh ta có thể làm được điều
đó? Faulk kể, anh đã dành ra hàng năm trời để xem bóng bầu dục. Hồi học
cấp 3, anh xin việc