Lúc đầu bà không huấn luyện theo triết lý của Wooden, mà bà có những
cách dạy dỗ giống với Knight hơn. Mỗi khi đội thua, bà không thể cho qua
việc đó. Bà cứ giữ sự ấm ức trong lòng, day dứt và tự đay nghiến mình và
cả đội vì nó. Sau đó bà dần dà có một mối quan hệ yêu-ghét với việc thua
trận. Về mặt cảm xúc, thua trận vẫn làm bà cảm thấy phát ốm. Nhưng bà lại
yêu hệ quả của nó. Nó buộc tất cả mọi người, cả cầu thủ lẫn huấn luyện
viên, phải phát triển một trận đấu hoàn thiện hơn. Thành công lúc này lại
trở thành kẻ thù của họ.
Wooden dùng từ “bị” khi nói về thành công. Pat Riley, cựu huấn
luyện viên của đội vô địch Los Angeles Lakers, gọi đó là “căn bệnh cái tôi”
– nghĩ rằng bạn chính là thành công, và hoàn toàn quên đi những kỉ luật và
cố gắng – những thứ đã giúp bạn đạt được thành công ấy. Summitt giải
thích, “Thành công làm bạn yếu đi. Ngay cả những người hoài bão nhất
trong chúng ta cũng bị nó làm cho tự mãn và lười nhác hơn”. Tại thời điểm
Summitt nói câu này, đội Tennessee đã giành được 5 chức vô địch NCAA,
nhưng chỉ có 1 trận mà họ cảm thấy hài lòng với chiến thắng nhất. “Ở mọi
lần khác, chúng tôi rất tức giận. Chúng tôi đã bỏ lỡ 4-5 danh hiệu mà chúng
tôi đáng nhẽ đã có thể giành được.”
Sau chức vô địch vào năm 1996, cả đội trở nên tự mãn. Những cầu
thủ cũ giờ đã thành những tuyển thủ vô địch quốc gia, và những cầu thủ
mới thì mong đợi chỉ bằng việc ở đội này, chiến thắng sẽ tự động tới với
họ. Thời gian sau đó là một thảm họa. Họ bắt đầu thua và thua đau đớn.
Vào ngày 15 tháng 12, họ bị hủy diệt bởi đội Standford ngay trên sân nhà.
Một vài trận sau đó, họ lại bị đè bẹp. Giờ họ đã có 5 trận thua và không còn
ai hy vọng gì vào họ nữa. Huấn luyện viên đội North Carolina, vì muốn an
ủi Summitt, đã nói với cô rằng, “Cứ cố chờ tới năm sau vậy”. HBO đã tới
Tenessee để quay một bộ phim phóng sự, nhưng giờ các nhà sản xuất đã bắt
đầu chuyển hướng sang một đội khác. Ngay cả các trợ lý của Summitt cũng
nghĩ rằng họ sẽ không thể bước vào được tới vòng giành chức vô địch các
giải play-off vào tháng 3.