Thường thì, những bước này là những điều chỉnh phù hợp cho tình
trạng của gia đình tại thời điểm đó, đem lại cho trẻ cảm giác an tâm và hy
vọng.
Vấn đề ở đây là, ‘con người mới’ này – ‘người’ toàn diện, mạnh
mẽ, ‘người’ mà trẻ muốn trở thành – rất có thể lại là ‘người’ có Tư Duy Cố
Định. Theo thời gian, những đặc điểm cố định có thể sẽ khiến trẻ nghĩ rằng
đó là chính bản thân chúng, và việc cố chứng tỏ những đặc điểm này có thể
sẽ trở thành nền tảng chính cho sự tự tin của trẻ.
Thay đổi tư duy là yêu cầu mọi người xóa bỏ ngay suy nghĩ này.
Nhưng việc vứt bỏ đi ‘một đứa con’ khác – một ‘phân thân’ mà bạn từng
sống chung nhiều năm, một ‘phân thân’ là cơ sở cho sự tự tin của mình – là
một việc rất khó. Càng khó hơn là việc thay thế nó bằng một lối tư duy
trong đó bạn phải biết trân trọng những gì mà trước giờ bạn cảm thấy thật
đáng sợ: thử thách, vật lộn, phê bình, khó khăn.
Khi tôi thay thế Tư Duy Cố Định của tôi thành Tư Duy Phát Triển,
tôi cảm nhận được rõ ràng sự khó chịu của mình. Ví dụ, tôi từng nói với
bạn rằng khi còn có Tư Duy Cố Định, hàng ngày tôi đều theo dõi những
thành công của mình. Tới cuối một ngày nào đó mà tôi làm việc hiệu quả,
tôi sẽ nhìn vào kết quả (những điểm số cao ở các cột về trí thông minh, tính
cách, v.v.) và cảm thấy tự hào về bản thân. Nhưng khi tôi tiếp nhận lối Tư
Duy Phát Triển và dừng việc theo dõi ấy lại, vẫn có những đêm tôi vẫn thực
hiện việc đếm điểm số ấy trong đầu và kết quả là một con số 0 tròn trĩnh.
Việc không thể tổng kết lại những thành tích của mình làm tôi cảm thấy rất
bất an.
Tệ hơn thế, khi tôi bắt đầu mạo hiểm nhiều hơn, tôi có thể sẽ nhìn
lại ngày hôm đó và thấy toàn là sai lầm và thất bại. Và tôi lại cảm thấy chán
nản.