Tư Duy Cố Định. Họ chỉ vào sơ đồ Tư Duy trước mặt cả lớp và bắt những
đứa trẻ kia phải thay đổi.
Thử so sánh những nhà giáo dục ấy với người giáo viên sau đây.
Trong một khoảng thời gian, người giáo viên này yêu cầu cả lớp nói về
những gì làm kích hoạt Tư Duy Cố Định trong chúng và nói chúng đặt tên
cho những ‘con người’ ấy. Một cậu bé không chịu làm điều đó – một hành
động tương đồng với cách cư xử của cậu. Có rất nhiều thứ cậu bé không
chịu làm, mặc cho giáo viên có khuyến khích như thế nào. Hàng tuần liền,
cậu chỉ ngồi đó im lặng trong khi các bạn khác nói về vẽ các bức tranh về
‘con người’ kia của chúng: Sally nhút nhát, Larry Lười-Biếng, Andy Hay-
Lo-Lắng, hay Hannah Bất-Lực. Nhưng người giáo viên này cho cậu bé biết
rằng cô sẽ luôn ở đây khi nào cậu thấy sẵn sàng, và rồi một ngày, bỗng
dưng cậu nói, “Dan Bị-Bỏ-Rơi”. Cô giáo hỏi, “Em nói gì cơ?”. Cậu bé nói,
“Mỗi khi em làm gì đó, em đều làm sai. Em không làm được gì nên hồn cả.
Đó là lí do mọi người đều bỏ rơi em”. Mỗi khi cậu bé muốn làm bài trên
lớp, Dan Bị-Bỏ-Rơi lại hét vào tai cậu bé to tới nỗi cậu không thể làm tiếp
được. Cô giáo vội tới bên cậu bé, cùng học với cậu và Dan Bị-Bỏ-Rơi để
rồi dần dần, Dan bỏ cuộc, cho cậu bé sự yên tĩnh, và để cậu làm bài tập.
Sau lần đó, cậu bé đã có những tiến bộ vượt bậc.
Có bao nhiêu học sinh hay nhân viên bị coi là vô dụng, cứng đầu,
hay hư hỏng chỉ vì họ không biết cách làm đúng trong thời điểm và điều
kiện hiện tại? Thay vì giúp họ sửa sai hay giúp họ tạo ra một môi trường
mà họ có thể phát triển, chúng ta đã thường đe dọa, trừng phạt hay lờ đi
những người ấy như thế nào?
Mỗi người trong chúng ta đều có một cuộc hành trình phải đi.