NẾU BẠN ĐÃ CÓ KHẢ NĂNG, TẠI SAO BẠN CÒN CẦN PHẢI
HỌC?
Thực ra, những người có Tư Duy Cố Định trông chờ rằng khả năng sẽ tự nó
“mọc lên”, trước khi việc học tập có thể diễn ra. Sau tất cả, nếu bạn có khả
năng, bạn sẽ học giỏi; nếu không có, bạn sẽ chả làm được gì. Lối suy nghĩ
này khá phổ biến.
Hàng năm, ban ngành của tôi ở Columbia chỉ nhận 6 cử nhân trong
hàng nghìn hồ sơ từ khắp nơi trên thế giới. Tất cả bọn họ đều có những
điểm số tuyệt vời, gần như là hoàn hảo, cùng với những lá thư giới thiệu
tràn ngập những lời có cánh. Hơn thế nữa, họ đều là những người tốt
nghiệp từ những trường hàng đầu.
Chỉ mất một ngày để một trong số họ cảm thấy như thể họ là một
con người hoàn toàn khác. Mới hôm qua họ còn là những người được nhiều
nơi săn đón, vậy mà hôm nay họ cảm thấy họ là những kẻ vô dụng. Họ nhìn
thấy hàng loạt ấn bản mà văn phòng chúng tôi đã xuất bản: “Ôi trời! Chắc
tôi không thể làm được những thứ như vậy đâu.” Họ nhìn các sinh viên
“ma cũ” đang nộp những bài viết để xuất bản và trình bày những bản đề
xuất to lớn: “Ôi trời! Tôi chắc chắn cũng không thể làm được điều đó.”
Những cử nhân mới-ra-trường này biết cách làm thế nào để đạt được điểm
số tuyệt đối trong các bài kiểm tra, nhưng họ lại chưa biết cách làm những
công việc này – là chưa chứ không phải không, lại càng không phải là
không bao giờ.
Đấy chẳng phải lý do chúng ta lập ra trường lớp hay sao: để học
hỏi? Học sinh, sinh viên tới trường để học cách làm những điều này, chứ
nếu đã biết hết rồi thì họ cần gì trường lớp nữa?