NỖ LỰC ÍT: RỦI RO CAO
Trong Tư Duy Phát Triển, việc bạn thực sự muốn điều gì đó, hoặc có cơ hội
làm điều gì đó, nhưng lại không làm gì cả, là một điều hết sức phi logic.
Khi điều đó xảy ra, “Tôi vốn đã có thể …” không còn mang tính tự an ủi
nữa, mà là sự tiếc nuối tới đau khổ.
Có rất ít phụ nữ Mỹ thành công hơn Clare Boothe Luce vào những
năm 1930 đến 1950. Bà là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, từng được
bầu cử vào Quốc hội hai lần, và là đại sứ của Ý. Bà nói: “Tôi không thực sự
hiểu ý nghĩa của từ ‘thành công’. Tôi biết mọi người hay dùng từ đó để
miêu tả tôi, nhưng tôi vẫn không hiểu từ đó.” Hình ảnh trước công chúng
và những biến cố trong đời tư khiến bà mãi không thể tiếp tục niềm đam
mê viết kịch. Bà đã từng thành công với những vở kịch như The Women,
nhưng viết hài kịch không giúp ích gì cho hình ảnh chính trị bà muốn tạo
dựng.
Với bà, chính trị không tạo ra thứ nỗ lực sáng tạo mang tính cá nhân
mà bà trân trọng nhất, và khi nhìn lại, bà cảm thấy rất nuối tiếc vì đã không
theo đuổi niềm đam mê với sân khấu. Bà nói, “Tôi thường nghĩ, nếu bảo tôi
viết sách tiểu sử về bản thân mình, tiêu đề sách sẽ là Tiểu sử về một kẻ thất
bại.”
Billie Jean King nói rằng, điều quan trọng là điều bạn có thể nói khi
nhìn lại. Tôi đồng ý với bà ấy. Bạn có thể nhìn lại và nói “Tôi đáng nhẽ đã
có thể…”, tự huyễn hoặc bản thân bằng những tố chất chưa được khai thác.
Hoặc bạn có thể nhìn lại và nói “Tôi đã cố gắng hết mình vì những thứ tôi
trân trọng.” Nghĩ về thứ bạn sẽ nói khi bạn nhìn lại. Rồi hãy chọn lối tư duy
tương ứng.