Ngày hôm đó chính là ngày 15 âm lịch, một vầng trăng tròn sáng rõ treo
trên cao, trên Lão Thử Lĩnh, tất cả âm thanh ban ngày giờ đây đều trở nên
yên tĩnh.
Đại thiếu gia trong lòng như tội phạm, cứ tự thì thầm: “Đại gia hù ta
sao? Hôm nay vừa vặn là ngày rằm, ánh trăng vừa to lại vừa tròn, tại sao lại
nói với ta là không có ánh trăng?”
Hắn vừa đói vừa khát, nghĩ qua nghĩ lại một hồi rồi ngủ thiếp đi mất,
đến lúc canh ba, bất ngờ nổi lên một trận gió, khiến toàn thân hắn phát
lạnh, bỗng cảm thấy kinh ngạc, mở to mắt ra nhìn, gió thổi trăng lạc, trên
núi đã tối đến mức chìa tay ra cũng không thấy năm ngón đâu, chỉ nghe
thấy lá cây cùng đám cỏ bị gió thổi phát ra từng tiếng “xào xạc”. Đến lúc
này hắn mới cảm thấy một nỗi sợ bùng lên trong lòng, nửa đêm gà gáy, ánh
đèn trên núi sẽ là của cái gì đây? Hắn bán tín bán nghi, lại sợ nháy mắt một
cái sẽ không thấy nơi có ánh đèn đâu, nên đành mở to hai mắt, một chút
cũng không dám nháy. Ngay lúc ấy, một trận cuồng phong lại nổi lên, trong
nháy mắt đại thụ cúi đầu, tiểu thụ khom lưng, gió càng thổi càng lớn, long
trời lở đất, đất đá mù trời, thú vật trong núi chạy loạn, hổ gầm sói hú, khắp
nơi rối loạn, thật đúng là người sợ nhà đổ, chim sợ tổ rơi! Đại thiếu gia
chừng này tuổi cũng chưa thấy qua trận gió nào lớn như thế này, thổi to đến
nỗi khiến cho người ta đứng cũng không vững, thật có thể gọi là “vô hình
vô ảnh hàn thấu cốt, hốt lai hốt khứ lãnh xâm phu; nhã phi địa phủ ma
vương khiếu, định thị sơn trung quỷ quái hô” (Trans: Dịch nghĩa tức là
không hình không bóng mà làm người ta lạnh thấu xương, từng cơn từng
cơn khẽ vờn qua da; trừ phi đấy là tiếng gọi của ma vương nơi địa phủ gọi
ngươi xuống chịu tội, còn nếu không thì đích thị là do tiếng thở của quỷ núi
gây ra). Đừng nhìn cơn gió to như thế, hắn thế nhưng cũng không dám
nhắm mắt, hai mắt híp lại nhìn lên trên núi, từ Đông sang Tây xuất hiện hai
ngọn đèn bay nhanh như tên bắn đến!