miếu, đình, đền của làng và xã, tham gia vào các công việc từ thiện. Chăm
chỉ và rộng rãi, anh em ông Miện được người dân làng Đồng kính trọng và
luôn dành cho những lời ca ngợi tốt đẹp nhất. Như đã nói, đưa ra sáng kiến
đấu thầu khu đầm là ông Xã trưởng, người được coi là biết nhìn xa trông
rộng, có đầu óc làm ăn lớn, rất được lòng người dân làng Đồng.
Tôi chỉ biết những chuyện đó sau vài lần trực tiếp về làng Đồng.
Nhưng có thể, như một số nguồn tin và Huyện trưởng cũng chung ý nghĩ,
ông Xã trưởng có phần trong khu đầm cá, chỉ không công khai thôi.
“Chẳng thằng nào hy sinh chay trong thời buổi này đâu - ông Huyện trưởng
tỏ vẻ lọc lõi bảo tôi thế - cứ suy từ cậu và tôi ra thì rõ ngay”. Điều đó được
suy đoán từ việc ông Xã trưởng kiên quyết phản đối dự án sân gôn. Với
một trang trại gần ba héc ta hoa quả, gồm bưởi giống Diễn, vải thiều và
nhãn lồng Hưng Yên, do ông bỏ tiền và công sức đầu tư, đang chuẩn bị cho
thu hái, lại thêm một khoản lợi tức - chắc chắn là không nhỏ, nếu điều đó
có thật, từ khu hồ Sao, ông quyết tử với chúng tôi cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng qua cách hành xử, tôi thấy ở ông vai trò một vị thủ lĩnh tinh
thần của làng, tự nhận lấy sứ mệnh bảo trợ bà con nông dân, hơn là vì
quyền lợi cá nhân.
Kể từ khi có chủ trương đầu tư dự án sân gôn, ngày nào ông Xã trưởng
cũng có mặt ở trụ sở xã chỉ để canh chừng từ xa kế hoạch thu hồi đất của
chúng tôi, đặc biệt là mọi động thái nhằm thu hồi khu đầm cá.
Biết việc thu hồi là rất khó khăn, khi bố tôi còn sống, ông đã vài lần
gặp riêng anh em ông Miện, ra giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn thất bại.
Bác lái xe kể lại cho tôi nghe rằng, trong một lần gặp để mặc cả với anh em
ông chủ hồ nước, ông Miện lật áo lên để bố tôi thấy vết thương cắt ngang
quá rốn ông ta, bởi một mảnh đạn pháo khi ông đánh nhau ở Quảng Trị,
bảo: